Mới đây TAND TP.HCM đã phát hành bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1398 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Công ty CP Quốc tế Trung Nam.
Sau khi nhận được bản án, bà Nguyễn Thị Thu Dung (một trong 20 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đã gửi đơn kháng cáo cho rằng quyết định trong án văn chênh lệch với quyết định trong án tuyên đến 18 tỉ đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của bà (bà Dung là một trong những người đã dùng tài sản của mình để thế chấp đảm bảo khoản vay cho Công ty Trung Nam tại ngân hàng). Hơn nữa bản án tống đạt cho bà không có dấu đỏ, không có dấu giáp lai...
Tại sao có "khoản chênh lệch" 18 tỉ?
Theo hồ sơ, năm 2009 ngân hàng và Công ty Trung Nam ký hợp đồng tín dụng hạn mức 40 tỉ đồng, đã giải ngân được 32 tỉ đồng. Do Công ty Trung Nam vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi nên ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Thu Dung đang trình bày về việc quyết định của bản án phát hành khác với án tuyên tại phiên tòa. Ảnh: LT
Cụ thể, ngân hàng yêu cầu Công ty Trung Nam phải trả các khoản nợ tính đến ngày xét xử sơ thẩm tổng cộng là hơn 48,77 tỉ đồng (bao gồm vốn chưa trả hơn 29,98 tỉ đồng, lãi quá hạn hơn 52,91 triệu đồng, lãi phạt hơn 18,73 tỉ đồng). Đồng thời, ngân hàng còn yêu cầu được tiếp tục tính lãi quá hạn, lãi phạt trên tổng số tiền vốn theo mức lãi suất quá hạn ghi trên hợp đồng tín dụng là 18%/năm từ sau ngày xét xử sơ thẩm. Khi Công ty Trung Nam không trả hết nợ thì ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án (THA) kê biên, phát mãi bảy trong tổng số 11 tài sản thế chấp của người thứ ba (trong đó có căn nhà của bà Dung) để THA.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28-11-2013 do Thẩm phán Ngô Thế Tiến làm chủ tọa, chỉ có đại diện ngân hàng và những người liên quan tham gia, còn phía Công ty Trung Nam vắng mặt. Thẩm phán Ngô Thế Tiến thay mặt HĐXX tuyên án như sau: Xét phần yêu cầu của ngân hàng buộc Công ty Trung Nam phải trả lãi phạt hơn 18,73 tỉ đồng tính theo mức lãi suất quá hạn đối với số cộng dồn các khoản lãi quá hạn từng kỳ đến hạn trả lãi mà công ty chưa trả (tính đến ngày xử sơ thẩm) là không phù hợp với các quy định của pháp luật. Cụ thể là các quy định về hợp đồng vay tài sản tại khoản 5 Điều 474 BLTTDS năm 2005, Luật Tổ chức tín dụng 2004, Quy chế Cho vay các tổ chức tín dụng tại Quyết định 1627 năm 2011 và Quyết định 127 năm 2005 của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy HĐXX không chấp nhận yêu cầu buộc bị đơn phải trả lãi phạt hơn 18,73 tỉ đồng. Về các yêu cầu khác của ngân hàng, HĐXX nhận định là có căn cứ pháp luật nên được chấp nhận. Như vậy tổng cộng số tiền mà Công ty Trung Nam phải trả cho ngân hàng là hơn 30,038 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong bản án phát hành sau đó, không hiểu sao tòa lại ghi nhận số lãi phạt mà ngân hàng yêu cầu Công ty Trung Nam phải trả chỉ có hơn 50,62 triệu đồng và tuyên không chấp nhận yêu cầu này (trong khi theo đơn khởi kiện thì số lãi phạt mà ngân hàng yêu cầu công ty phải trả là hơn 18,73 tỉ đồng và đã bị tòa bác trong bản án đọc tại phiên xử). Đồng thời, tòa buộc Công ty Trung Nam phải trả cho ngân hàng hơn 48,72 tỉ đồng. Phần án phí cũng được điều chỉnh lại tương ứng với số tiền trên.
Chỉ đính chính lại số liệu!
Để làm rõ câu hỏi vì sao bản án tuyên đọc tại tòa và bản án phát hành chênh lệch đến 18 tỉ đồng, PV Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần liên hệ để gặp Thẩm phán Ngô Thế Tiến nhưng thư ký tòa cho hay ông Tiến không có mặt ở tòa.
Ngày 26-2, trao đổi qua điện thoại với PV, Thẩm phán Phan Gia Quí (Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM) nói: “Thẩm phán Tiến còn mấy bữa nữa là nghỉ hưu, có bữa đi làm, có bữa không đi nên chưa biết được mà hẹn. Hiện giờ ông Tiến không có ở đây, tôi sẽ gọi cho thẩm phán biết và sẽ hẹn gặp chị vào ngày mai”.
Ngày 27-2, gặp chúng tôi, Thẩm phán Tiến đã không trả lời vào trọng tâm câu hỏi vì sao lại có sự chênh lệch số tiền rất lớn như vậy giữa án tuyên và án văn mà chỉ nói chung chung: “Nội dung không có gì thay đổi, chỉ đính chính lại số liệu”. Sau đó ông tỏ ra bất hợp tác, bỏ đi.
Lãnh đạo tòa: Chuyện này nghe không hay lắm
Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với lãnh đạo TAND TP.HCM nhưng không được. Trao đổi qua điện thoại, sau khi nghe chúng tôi phản ánh nội dung sự việc, Phó Chánh án TAND TP.HCM Hà Thúy Yến nói: “Nghe chuyện này cũng không hay lắm. Hiện tất cả lãnh đạo tòa đều bận, chúng tôi sẽ xem xét lại và liên lạc sau”.
Được biết Thẩm phán Ngô Thế Tiến đang bàn giao công việc để về hưu. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc về vụ án kỳ lạ này.
NHÓM PV
VKSND Tối cao đang điều tra một vụ tương tự Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh một trường hợp án tuyên một đằng, án văn một nẻo ở TAND tỉnh Tây Ninh. Cụ thể, một hội thẩm nhân dân - thành viên HĐXX trong phiên xử vụ ly hôn (có chia tài sản) giữa bà Lý Kim Chi và chồng ngày 29-5-2013 - đã tố cáo những khuất tất quanh chuyện xét xử vụ án này. Khi đọc biên bản nghị án, vị hội thẩm này thấy có nhiều điều bất thường: Nội dung bản nghị án này khác với nội dung nghị án thực tế tại phiên tòa ngày 29-5 và khác với nội dung đã tuyên án. Cụ thể, nghị án và tuyên án tại phiên tòa buộc chồng bà Chi phải trả hơn 468 triệu đồng phần chênh lệch cho bà Chi sau khi nhận tài sản được chia. Nhưng tại biên bản nghị án và bản án phát hành sau đó lại buộc bà Chi giao cho chồng cũ tiền chênh lệch hơn 2,7 tỉ đồng (sau này tòa ra thông báo sửa bản án, buộc bà Chi phải trả 3,3 tỉ đồng)… Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh sự việc, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Tây Ninh xét xử lại. Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh cũng đã thừa nhận sai sót của thẩm phán. Tỉnh ủy Tây Ninh đã chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, lãnh đạo tòa án và các ban, ngành liên quan làm rõ vụ việc. VKSND Tối cao cũng đã chỉ đạo VKSND tỉnh Tây Ninh kiểm tra vụ việc, báo cáo kết quả. Đến tháng 11-2013, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc điều tra các sai phạm như bản án phát hành không đúng với bản án gốc; các nội dung hội ý, bổ sung không được bàn bạc, biểu quyết khi nghị án… |