Theo ông Thiên, thực tế có chuyện rất hi hữu là có vụ án VKS truy tố tội cố ý gây thương tích nhưng tòa thấy có dấu hiệu tội giết người nên trả hồ sơ, điều tra bổ sung để làm rõ tội danh giết người. Nhưng vì VKS vẫn giữ nguyên quan điểm nên sau đó vì giới hạn xét xử mà tòa vẫn phải xử tội cố ý gây thương tích. Sau đó, tòa kiến nghị lên tòa cấp trên hủy bản án của chính mình vì có dấu hiệu tội giết người.
Ông Nguyễn Thanh Thiên tại hội thảo góp ý Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi ngày 14-5. Ảnh: N.NAM
Ông Thiên cũng cho rằng quy định thẩm phán, hội thẩm nhân dân nghiên cứu án lệ khi xét xử là không khả thi. "Quy định bắt buộc như vậy, khi đọc hồ sơ thẩm phán phải đồng thời nghiên cứu án lệ mà thẩm phán thì không bao gìơ thuộc hết án lệ nên không khả thi, không thể áp dụng"- ông Thiên góp ý.
Theo tờ trình của VKSND Tối cao, hiện có 8 vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ; Bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; Quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; Ghi âm ghi hình hoạt động hỏi cung bị can; Thời hạn tạm giam; chủ thể có quyền thu thập chứng cứ; Mở rộng một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và Giới hạn xét xử.