Nghiêm cấm cán bộ can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng giao thông

(PLO)- Cán bộ, công chức không được can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng trong các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm Quý II-2023.

Thông báo nêu, Quý I-2023 tiếp tục đà phục hồi kinh tế - xã hội, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, nhất là trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông cơ bản được bảo đảm.

Tai nạn giao thông giảm sâu

Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể giảm 15,43% về số vụ, giảm 15,23% về số người chết và giảm 8,57% số người bị thương.

Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước; số vụ ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm giảm đáng kể sau khi triển khai thu phí điện tử không dừng trên phạm vi toàn quốc; tình hình vi phạm về thành thùng hàng và chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý căn bản.

Cán bộ, công chức không được can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng. Ảnh PHI HÙNG

Cán bộ, công chức không được can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng. Ảnh PHI HÙNG

Chính phủ biểu dương Bộ Công an, Bộ Giao GTVT, Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, MTTQ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng, phương tiện và vận tải, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông…

Qua đó kéo giảm nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông cũng như giảm thiểu thiệt hại về tài sản, sức khỏe và sinh mạng của người tham gia giao thông. Đồng thời biểu dương 42 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý I còn một số tồn tại, hạn chế. 16 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2022 (11 tỉnh tăng trên 20% là Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La).

Giai đoạn tăng tốc phát triển để tạo đà

Theo Chính phủ, Quý II-2023 sẽ là giai đoạn tăng tốc phát triển để tạo đà thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng của cả năm, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 và cao điểm du lịch hè 2023, tạo nên thách thức lớn cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Do đó, Chính phủ yêu cầu lực lượng chức năng ưu tiên kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe; chở hàng hóa quá tải trọng và các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông... "Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng trong các hoạt động bảo đảm trật tự, ATGT" - thông báo nêu rõ.

Đối với các tỉnh, TP có tai nạn giao thông tăng cao trong Quý I, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, lĩnh vực để xảy ra tai nạn giao thông tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm