Tại hội thảo Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vì sức khỏe cộng đồng (tổ chức vào ngày 11-5), GS-TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết: “Mỗi ngày, các bếp ăn tập thể và cơ sở nấu ăn sẵn cả nước cung cấp hàng triệu suất ăn. Nếu không quản lý chặt, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ suất ăn nấu sẵn rất dễ xảy ra”.
Hơn 85% số ca ngộ độc từ suất ăn nấu sẵn
Ông Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết hơn 85% số vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến suất ăn nấu sẵn (nấu tại các bếp ăn tập thể hoặc do cơ sở nấu ăn cung cấp). Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 15 vụ với hơn 1.350 người bị ngộ độc. Tuy nhiên, trên thực tế số vụ và số người bị ngộ độc nhiều hơn so với con số báo cáo.
Theo ông Hùng, hiện 50 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất nên ngộ độc thực phẩm từ các nơi này với suất ăn nấu sẵn là khá cao. Trong đó nhiều nhất là khu vực Đông Nam Bộ (chiếm gần 67% số vụ). Thức ăn hỗn hợp là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm cao nhất (gần 64%), kế đến thủy sản (gần 19%)…
Theo ông Vũ Trọng Thiện, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế), viện đã giám sát ATVSTP trong sáu tháng cuối năm 2012 tại các điểm kinh doanh thực phẩm ở TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre và TP Cần Thơ, đồng thời lấy các mẫu để xét nghiệm. Kết quả 86/456 mẫu thực phẩm (gần 19%) không đạt các chỉ tiêu vi sinh, đường hóa học, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng thuốc tăng trọng…
Hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm từ suất ăn nấu sẵn đang được chăm sóc. Ảnh: TRẦN NGỌC
Làm giả giấy chứng nhận ATVSTP
Ông Lâm Quốc Hùng cho biết thêm, không ít cơ sở chỉ có khả năng cung cấp vài trăm suất ăn nhưng lại đảm nhận hàng ngàn suất mỗi ngày nên không đảm bảo an toàn vệ sinh khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. “Có cơ sở nấu ăn sẵn cung cấp trên 1.000 suất ăn mỗi ngày nhưng một tháng chỉ sử dụng hết 10 m3 nước máy (bằng lượng nước dùng cho một gia đình ba người). Cơ sở này đã dùng nước giếng nấu nướng mà không qua xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn. Thế nhưng trả lời với đoàn kiểm tra, cơ sở này khăng khăng chỉ sử dụng nước máy. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm” - ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Ngọc, Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết TP.HCM hiện có gần 3.000 bếp ăn tập thể và cơ sở nấu ăn sẵn. Kiểm tra gần đây ghi nhận có cơ sở cung cấp một ngày 750 suất ăn cho trường học nhưng điều kiện vệ sinh không đảm bảo, khu vực nấu nướng chung với nơi sinh hoạt gia đình nên đoàn kiểm tra đình chỉ hoạt động.
Qua tìm hiểu, Pháp Luật TP.HCM còn biết có người còn làm giả giấy chứng nhận ATVSTP để ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn. Mới đây, Chi cục ATVSTP TP.HCM có công văn yêu cầu một số trường mầm non trên địa bàn quận Bình Tân (TP.HCM) ngưng nhận suất ăn sẵn từ Công ty TNHH Thực phẩm Ước Mơ Xanh (44/4 ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) vì thực tế không có tên công ty này đóng tại địa chỉ nói trên, giấy chứng nhận ATVSTP là giả.
Ở khu vực phía Nam, trong sáu tháng cuối năm 2012 xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm tại gia đình khiến 95 người bị ngộ độc, bảy người chết; hai vụ ngộ độc thực phẩm trong đám cưới và nhà hàng làm gần 30 người cấp cứu. Đặc biệt, hai vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong nhà trẻ khiến hơn 40 cháu phải nhập viện. (Theo báo cáo của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM) Trong hội thảo, nhiều đại biểu đề nghị nên xây dựng các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn đạt chuẩn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các cơ sở này phải được cơ quan chuyên môn quản lý và giám sát thường xuyên. Đối với hệ thống trường học, thực hiện kiểm tra ba bước tại các bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Bước một do ban giám hiệu nhà trường kiểm tra. Bước hai và ba lần lượt do lãnh đạo phòng giáo dục quận, huyện và lãnh đạo sở giáo dục tỉnh, thành phố kiểm tra. |
TRẦN NGỌC