Ngoại trưởng Anh nói về Olympic Bắc Kinh và vấn đề Tân Cương

Anh có thể không tham gia Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào năm 2022 nếu có thêm bằng chứng về việc người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị ngược đãi ở Trung Quốc.

Theo tờ The Guardian, xuất hiện trước ủy ban về các vấn đề đối ngoại của Hạ viện Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab đã được hỏi về khả năng London bỏ qua sự kiện thể thao quan trọng này để phản đối những hành động vi phạm quyền con người.

“Nói chung, thiên hướng của tôi là tách biệt thể thao khỏi ngoại giao và chính trị, nhưng sẽ có lúc không thể. Hãy cùng xem xét việc chúng ta cần phải thực hiện thêm hành động nào nữa” – ông Raab nói.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. Ảnh: THE GUARDIAN

Ngoại trưởng Anh cũng nói rằng sự tham dự của những nhân vật nổi bật như Công tước xứ Cambridge tại Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh cũng sẽ phải được “xem xét rất kỹ lưỡng”.

Ngoại trưởng Raab nói với các nghị sĩ rằng ông đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quan chức chịu trách nhiệm về việc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Ông nói rằng Trung Quốc đã có những vi phạm “nghiêm trọng và thô bạo” về quyền con người đối với các cư dân Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương, bao gồm cả việc cưỡng bức triệt sản, khẳng định “mối quan tâm của chúng tôi chỉ có thể ngày càng gia tăng”.

Cảnh báo của ông Raab được đưa ra khi một liên minh gồm 39 quốc gia hôm 6-10 đã kêu gọi tiến hành điều tra độc lập về những gì đang xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ. Đề nghị này do Đức đệ trình tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và được Anh ủng hộ.

Một động thái tương tự vào tháng 6 đã không thu hút được nhiều sự ủng hộ, nhưng các nước tham gia liên minh kể từ thời điểm đó hiện đã bao gồm Bosnia, Tây Ban Nha, Ý và Ba Lan.

Phía Bắc Kinh và các đồng minh của họ ở LHQ đã phản pháo lại, bác bỏ đề nghị trên vì cho rằng điều này can thiệp vào “vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Các nước phương Tây cho rằng khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị chính phủ Trung Quốc giam giữ ở phía tây khu tự trị Tân Cương. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phủ nhận và nói rằng đó là một phương thức “chống khủng bố” từ các thành phần Hồi giáo cực đoan, và các địa điểm mà phương Tây cho là "trại tập trung" thực chất là các trung tâm “đào tạo nghề”.

Ông Tập cũng khẳng định những việc Bắc Kinh làm trong vấn đề này là “hoàn toàn đúng đắn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm