Ngoại trưởng Mỹ ‘chào sân’ mỹ mãn tại NATO

Đã từng có những đồn đoán cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ lạnh nhạt với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc họp giữa ông Tillerson với các quan chức NATO cuối cùng đã được đẩy lên sớm hơn để đảm bảo sự hiện diện của người đại diện nước Mỹ, quốc gia dẫn đầu liên minh.

Tràng pháo tay cho ông Tillerson

Theo New York Times, cuộc họp giữa ông Tillerson với ngoại trưởng các nước thành viên NATO tại trụ sở ở Brussels (Bỉ) hôm 31-3 chủ yếu xoay quanh các cuộc thảo luận về ngân sách quốc phòng, cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết mâu thuẫn Ukraine-Nga. Chiến thắng lớn nhất trên phương diện đoàn kết NATO của ông Tillerson là về cách đối phó với Nga.

Cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đều đã thăm NATO hồi tháng 2 năm nay. Cũng giống như ông Tillerson, cả hai đều mang thông điệp nhất quán của ông Trump: “Trả tiền” - tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, ông Tillerson đã mang đến một làn gió mới. Cựu trùm dầu khí có quan hệ thân thiết với Nga và Tổng thống Vladimir Putin đã ghi điểm đậm với các phát ngôn cứng rắn nhằm vào Moscow.

“Các động thái gây thù địch của Nga và việc sáp nhập bán đảo Crimea đang tác động tiêu cực tới tầm nhìn chung của chúng ta về một châu Âu thống nhất, tự do và hòa bình. Chúng ta sẽ tiếp tục buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các cam kết trong thỏa thuận Minsk. Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ vẫn giữ nguyên cho tới khi nào Nga thay đổi các hành động dẫn tới lệnh trừng phạt” - CNN dẫn lời ông Tillerson phát biểu tại cuộc họp với các ngoại trưởng NATO. Theo tờ Politico, một đại sứ tại NATO nhận định: “Mỹ sẽ đứng về phía các đồng minh. Không như ông Mattis từng ra điều kiện nếu muốn Mỹ ra tay hỗ trợ. Những lời hứa của ông Tillerson không hề có điều kiện kèm theo”.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tham gia cuộc họp với các quan chức NATO tại Brussels hôm 31-3. Ảnh: EPA

Không quên nhắc NATO “trả tiền”

Trong cuộc họp đầu tiên với các quan chức NATO từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng lặp lại những tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Mỹ không thể gánh chịu mức chi tiêu quốc phòng bất cân xứng tại NATO và các nước đồng minh cần tăng mức chi tiêu quân sự, theo The Washington Post. “Các đồng minh phải tăng chi tiêu quốc phòng để đáp ứng các cam kết của họ” - ông Tillerson nhấn mạnh trước ngoại trưởng các nước NATO ở Brussels hôm 31-3.

Tương tự Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, ông Tillerson nhấn mạnh tất cả 28 thành viên của NATO phải chi ít nhất 2% trong GDP mỗi nước cho ngân sách hoạt động quân sự. Theo Reuters, hiện chỉ có Mỹ và bốn nước gồm Estonia, Hy Lạp, Ba Lan và Anh đáp ứng đúng chỉ tiêu mà NATO nhắm đến. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã chỉ trích ý kiến của ông Tillerson là “vô lý”. Theo ông, việc chi tiêu trên các khía cạnh khác như vấn đề người tị nạn cũng cần phải được đem ra tính toán. Theo New York Times, trong năm 2016, Đức chi chỉ 1,2% GDP của nước này cho quân sự khi Mỹ chi 3,6% GDP.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Washington, D.C. cách đây hai tuần, ông Trump không chỉ yêu cầu các quốc gia như Đức tăng chi tiêu quân sự mà còn yêu cầu các nước này hoàn trả cho Mỹ vì những đóng góp trước đây. Ông Tillerson nhấn mạnh rằng trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 5 tới, các nước cần đồng ý đến cuối năm nay sẽ đáp ứng mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP.

Dù vậy, ông Tillerson vẫn tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc mà Mỹ dành cho NATO. “Các cam kết của Mỹ đối với NATO vẫn sẽ vững vàng và liên minh này vẫn là nền tảng để đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương. Chúng tôi hiểu rằng một mối đe dọa đối với một trong các thành viên của NATO thì cũng là mối đe dọa đối với cả khối và do đó chúng tôi sẽ phản ứng”. Kết lại, ông Tillerson nói rằng: “Tổng thống ủng hộ NATO. Quốc hội Mỹ ủng hộ NATO”.

Rủi ro từ Thổ Nhĩ Kỳ

Trước khi bay tới Brussels, ông Tillerson đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30-3. Theo Sputnik, mặc dù ông Tillerson đã nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa Washington với Ankara nhưng ông không thể đạt được sự đồng thuận nào với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về tất cả vấn đề song phương.

Một trong số này là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Erdogan kêu gọi Mỹ dừng ủng hộ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria, lực lượng bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ bác bỏ yêu cầu vì Washington coi YPG là một đồng minh quan trọng trong liên quân quốc tế chống IS. Ngoài ra, hai bên cũng thất bại trong việc đồng ý dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang ở Mỹ, người mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.

“Xét cho cùng Thổ Nhĩ Kỳ đang gây ra nhiều vấn đề cho người Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một thành viên của NATO, bất cứ vấn đề nào liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngay lập tức trở thành vấn đề của NATO” - nhà chính trị học Gevorg Mirzoyan đến từ Học viện Tài chính trực thuộc chính phủ Nga nhận định.

______________________________

2 là số phần trăm (%) trong GDP mà Mỹ yêu cầu các thành viên NATO cần chi nhằm phục vụ các hoạt động của khối quân sự này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm