Đài ABS-CBN News dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. ngày 8-2 cho biết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ không ngăn cấm sự hiện diện của các cường quốc phương Tây, như Mỹ, trong khu vực này.
Phát biểu trên chương trình Headstart, chương trình buổi sáng của ABS-CBN News, ông Locsin cho biết: "Điều đầu tiên tôi xin nhấn mạnh rằng đây không phải là vấn đề để thương lượng: COC sẽ không bao giờ loại một cường quốc phương Tây nào, như Mỹ, khỏi khu vực này. Điều này nằm trong hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines".
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Ảnh: REUTERS
“Với điều đó, bạn có được sự đảm bảo về sự cân bằng quyền lực trong khu vực và khi đó chúng tôi sẽ thương lượng về cách thức ứng xử với mỗi bên về các vấn đề. COC sẽ không giải quyết vấn đề ‘phạm vi địa lý’, và mục đích sẽ nhằm tránh một cuộc xung đột diện rộng trong khu vực” – ông Locsin nói.
Ông Locsin cho biết hiện đang có một bản dự thảo COC "dài" mà ông muốn giảm xuống còn khoảng tám trang.
Theo ông, Philippines, với tư cách là điều phối viên của ASEAN để đối thoại với Trung Quốc, đã thúc đẩy tiến trình đàm phán COC dù đại dịch COVID-19 đang diễn ra và các bên không thể họp mặt trực tiếp.
Ông Locsin lưu ý rằng quy tắc COC sẽ chỉ được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua trên nguyên tắc đồng thuận.
Trả lời câu hỏi về khó khăn giữa các bên trong việc thông qua COC, ông Locsin cho biết: “Đến nay, họ đang thúc đẩy COC một cách chưa chuẩn xác”.
COC là văn bản mà ASEAN đã đàm phán với Trung Quốc từ năm 2002, nhằm hướng tới xây dựng các quy tắc mang tính ràng buộc trên Biển Đông.
Tháng 8-2018, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Văn Bản Dự Thảo Đàm Phán Duy Nhất (SDNT) làm cơ sở cho việc đàm phán COC trên Biển Đông.
Tháng 11-2019, tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Thái Lan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN hoàn tất COC vào năm 2021.
Theo kế hoạch, COC dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021, nhưng đại dịch COVID-19 đã cản trở tiến trình đàm phán giữa các bên.