Nội bộ Philippines chia rẽ vì luật hải cảnh Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc thông qua luật hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh tấn công bất kỳ tàu thuyền nước ngoài nào đi vào vùng biển mà nước này cho là thuộc quyền tài phán của mình, Philippines đã chứng kiến sự chia rẽ nội bộ về cách đối phó với luật này, theo tờ South China Morning Post.

Khẩu chiến trong nội bộ Manila

Ngày 1-2, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jnr đã phản bác đề xuất của người phát ngôn Harry Roque rằng Manila nên xem xét kiện Bắc Kinh ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển về vấn đề này.

"Tôi không theo ý ông Roque. Ông Roque không có chuyên môn trong lĩnh vực này. Chúng tôi không quay trở lại The Hague vì như vậy có thể khiến Philippines mất đi những gì đã giành được" - ông Locsin nói, đề cập phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài bác bỏ các yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc đang tuần tra trên biển. Ảnh: REUTERS

Hôm 2-2, ông Rogue đáp lại bằng việc nói rằng với tư cách là cựu chủ tịch Hiệp hội Luật Quốc tế châu Á, ông biết mình đang nói về điều gì.

Giữa sự im lặng từ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, những phản ứng trái ngược cho thấy Manila rõ ràng đang thiếu các biện pháp đối phó với luật hải cảnh của Trung Quốc, bất chấp áp lực trong nước yêu cầu Manila phải cứng rắn. Cả Pamalakaya - liên đoàn của các tổ chức ngư dân, và chính ông Locsin đã ví luật này là "mối đe dọa chiến tranh".

Mối lo ngại về luật hải cảnh đã tăng lên kể từ khi tàu nghiên cứu Trung Quốc Jia Geng đi vào vùng biển Philippines vào tuần trước mà không xin phép.

Ở Manila xuất hiện đồn đoán rằng tàu Jia Geng vào lãnh thổ Philippines gần Samar, hòn đảo lớn thứ ba của đất nước, đang thu thập dữ liệu ở vùng biển giàu tài nguyên này. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã bác điều này và nói tàu Trung Quốc đang "tìm nơi trú ẩn nhân đạo do điều kiện thời tiết và biển không thuận lợi".

Hôm 2-2, ông Locsin cho biết Bộ Ngoại giao Philippines đã "chấp thuận yêu cầu khẩn cấp của Đại sứ quán Trung Quốc về nơi trú ẩn khi thời tiết xấu". Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết con tàu rời đi vào chiều 1-2.

Đại sứ quán Trung Quốc cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng một ngư dân Philippines - Larry Hugo bị tàu tuần duyên Trung Quốc quấy rối gần đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng trái phép)

Luật hải cảnh TQ khác luật hải cảnh Philippines

Đại sứ quán Trung Quốc bảo vệ luật hải cảnh bằng cách mô tả nó là "luật trong nước", và rằng rằng "nhiều quốc gia đã ban hành luật tương tự" và "không luật nào trong số này được coi là mối đe dọa chiến tranh".

Nước này đặc biệt tham chiếu đến Luật Cảnh sát biển Philippines năm 2009 - cho phép Philippines thiết lập lực lượng hải cảnh nước này như một lực lượng có vũ trang và có đồng phục.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng luật này để cho phép sử dụng vũ lực trong vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền nhưng đang có tranh chấp quốc tế.

Các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia lo ngại luật mới có thể báo trước một cách tiếp cận mới, hung hăng hơn của Bắc Kinh để thực thi các yêu sách của mình.

Cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết: "Lực lượng tuần duyên Philippines chỉ hoạt động trong lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng của nước này. Lực lượng tuần duyên của Philippines không thể sử dụng vũ lực bên ngoài những khu vực này trừ khi bị tấn công vũ trang".

Để so sánh, ông Carpio cho biết Trung Quốc đã "ủy quyền cho lực lượng tuần duyên sử dụng vũ lực bên ngoài lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng để thực thi các yêu sách của họ đối với gần như toàn bộ Biển Đông".

Ông Carpio cho biết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã vượt ra ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ đường bờ biển của họ đã được công nhận theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và mở rộng sang lãnh thổ Philippines.

Ông nói: "Theo luật mới của Trung Quốc, lực lượng tuần duyên của họ có thể sử dụng vũ lực chống lại ngư dân và các tàu khảo sát Philippines ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông, vi phạm UNCLOS".

Giáo sư Jay Batongbacal, thuộc Viện Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines, cũng chỉ trích tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc rằng luật không "nhắm mục tiêu cụ thể vào bất kỳ quốc gia nào".

"Tôi đồng ý, nó không nhắm mục tiêu đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào; nó nhắm vào tất cả các nước để khiến tất cả họ đồng ý rằng Trung Quốc có quyền tài phán trên toàn bộ Biển Đông" - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm