Ngồi nhà mua món ngon bốn phương ngày tết

(PLO)-  Các mặt hàng đặc sản vùng miền luôn có sức hút với thị trường TP.HCM, nhất là trong dịp tết cổ truyền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ cần ngồi ở nhà click chuột hoặc chạm vào màn hình, người tiêu dùng tại TP.HCM có thể đặt mua đủ loại món ngon vật lạ khắp mọi miền của đất nước.

Mua đặc sản qua mạng ngày một tăng

Chị Nguyễn Tú Quyên (quận 12, TP.HCM), chủ gian hàng online Bếp nhà Mèo, kể: Nhiều năm nay chị chuyên phân phối món ăn đặc sản như các loại mắm, dưa món, củ kiệu muối kiểu Huế, chả bò Huế, bánh gù Hà Giang… Mùa tết năm nay chị bán thêm món ruốc bông tôm Quảng Ninh, với sức mua khá tốt.

Theo chị Quyên, các mặt hàng đặc sản luôn có sức hút với thị trường TP.HCM. “Dù các món đặc sản trên vẫn được tôi bán quanh năm nhưng vào dịp tết, sức mua tăng cao. Trong hai năm trở lại đây, khách hầu hết đặt mua hàng qua Facebook, Zalo thay vì tới nhà mua hàng để chủ động được thời gian giao nhận” - chị Quyên chia sẻ.

Nhân viên một cửa hàng gói đặc sản theođơn đặt hàng của khách. Ảnh: TH

Nhân viên một cửa hàng gói đặc sản theođơn đặt hàng của khách. Ảnh: TH

Khác với chị Quyên, đây là năm đầu chị Vũ Tú Phương đưa mặt hàng tôm khô Cà Mau lên bán online trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) sau thời gian dài bán tại cửa hàng ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Theo chị Phương, nhiều khách hàng quen của chị dù biết địa chỉ cửa hàng nhưng vẫn chọn mua online để hưởng ưu đãi giảm giá hàng hóa lẫn vận chuyển, điều mà họ rất cần trong bối cảnh thu nhập giảm sút.

“Mặc dù so với kênh truyền thống, kênh online của cửa hàng tôi hiện chỉ chiếm khoảng 5%-10% doanh số nhưng cũng đã có thêm nguồn thu mới và khách hàng mới tiềm năng. Khách có thể ở tận Đắk Lắk nhưng vẫn có thể mua tôm khô Cà Mau” - chị Phương chia sẻ.

Sức mua hàng tết tăng

Theo ghi nhận, sức mua đang tăng dần ở kênh trực tuyến, thậm chí quá tải đơn hàng. Chị Nghiêm Thu Huyền (phường 12, Gò Vấp, TP.HCM) cho biết vì ngại chen lấn nên chị đặt mua hàng online của một siêu thị. Thông thường nhân viên sẽ giao trong ngày, tuy nhiên hôm qua chị nhận được cuộc gọi thông báo xin giao trễ vào sáng nay vì nhân viên hiện quá tải đơn hàng.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống cho biết hiện nay nguồn hàng không thiếu nhưng sức mua chưa cao. Ghi nhận tại một số chợ ở TP.HCM cho thấy hoạt động mua sắm tết có phần sôi động ở ngành hàng đặc sản, bánh mứt, quần áo... Trong khi đó, các ngành hàng khác vẫn vắng khách. Người bán kỳ vọng sức mua sẽ tăng nhanh trong những ngày tới khi tết cổ truyền đến gần.

Tương tự, dù sở hữu tệp khách hàng lớn với các chuỗi cửa hàng hiện hữu ở ba TP lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Organica, nhìn nhận khách hàng của công ty đang dần chuyển sang mua hàng online. Riêng với mặt hàng tết, năm nay công ty chú tâm vào các sản phẩm của vườn và “bếp Okitchen”.

Đơn cử như làm mâm cúng với gà cánh tiên được nuôi trong trang trại, hay bánh chưng gói bằng thịt heo trong vườn, cùng các loại gạo nếp đặc sản, giò thủ, gói chả nem. Các món đặc sản quen thuộc như miến dong Bình Liêu, mì gạo Bao Thai, gạo nếp cái hoa vàng, nấm hương khô… cũng được duy trì ở mọi kênh phân phối. Bên cạnh đó còn có nước mắm Rea Boat, một thương hiệu nước mắm của Phú Quốc rất nổi tiếng ở Mỹ và châu Âu, đây cũng là sản phẩm đi vào giỏ quà tết được nhiều khách hàng lựa chọn.

Hàng loạt mặt hàng đặc sản vùng miền như hạt điều Bình Phước, lạp xưởng cá lóc Đồng Tháp, mắm cua đồng An Giang, miến dong Lào Cai... cũng được người bán giới thiệu trên chợ online. Nhiều bà nội trợ đang tích cực săn tìm món ngon, đặc sản tết trên mạng.

Nhiều tínhiệu tích cực

Cũng giống các kênh phân phối truyền thống, năm nay chợ mạng hồ hởi tham gia vào dịp khuyến mãi tết. Đơn cử như sàn TMĐTLazada tổ chức sự kiện “Lễ hội mua sắm tết sale bung xõa” từ ngày 5 đến hết 15-1, với hàng ngàn ưu đãi từ miễn phí vận chuyển để giảm giá 50% sản phẩm cùng các mã hoàn tiền đến 2,3 triệu đồng cho người tiêu dùng.

Bà Lưu Hạnh, Giám đốc truyền thông sàn TMĐT Lazada, cho biết sức mua của người tiêu dùng đang có nhiều tín hiệu tích cực, khi các sản phẩm tết chiếm ưu thế trong giỏ hàng của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng chuẩn bị cho mâm cỗ tết từ rất sớm với các sản phẩm được mua nhiều nhất trong ngành bách hóa như thực phẩm đóng gói, bánh kẹo, nước giải khát và thức uống có cồn.

“Tính riêng trong hai giờ đầu của lễ hội, ngành hàng này ghi nhận mức tăng trưởng về doanh thu cao nhất gấp 97 lần so với ngày thường” - bà Lưu Hạnh dẫn chứng.

Đại diện sàn TMĐT Shopee thông tin nhằm thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng tăng cao vào dịp tết, sàn này đã triển khai các chương trình ưu đãi dịp tết diễn ra đến ngày 26-1. Trong đó có các chương trình ưu đãi như miễn phí vận chuyển, thậm chí còn tung ra cơ hội trúng iPhone 14.

Ngoài ra, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho dịp tết Quý Mão 2023 sắp tới, sàn TMĐT này còn giới thiệu đến người dùng những bộ sưu tập sản phẩm theo chủ đề tết từ nhiều ngành hàng khác nhau như đồ trang trí tết, giỏ quà tết, các loại bánh mứt…với mức giá phải chăng. Đồng thời sàn tiếp tục kết nối giới thiệu đến người dùng nhiều sản phẩm Việt chất lượng thông qua các bộ sưu tập “Tết Việt dùng hàng Việt” và “Giỏ quà tết phát lộc”.

Lưu ý khi mua hàng tết trên chợ online

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Khoa học công nghệ và thực phẩm ĐH Bách khoa Hà Nội, khuyến nghị người tiêu dùng nên ưu tiên mua hàng từ những trang TMĐT uy tín, có đăng ký, thông báo tới Bộ Công Thương. Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài.

Bên cạnh đó khi quyết định mua hàng tết qua mạng nên mua thực phẩm đóng gói có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cần quan sát kỹ, đầy đủ thông tin trên bao bì sản phẩm như: Tên sản phẩm, thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, định lượng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo. Đối với sản phẩm nhập khẩu thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm