Ngổn ngang công trình mở rộng xa lộ Hà Nội

Công trình mở rộng xa lộ Hà Nội được khởi công từ tháng 12-2013, theo kế hoạch hoàn thành sau 14 tháng thi công, tức đến cuối tháng 2-2015 phải xong. Nhưng đến nay, trên toàn tuyến vẫn còn nhiều hạng mục dở dang, trong đó đặc biệt nổi bật là các gói xây dựng đường song hành và nút giao Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tại gói đường song hành, đến nay mới chỉ làm được 6/8 km, từ ngã tư Tây Hòa đến gần nút giao trạm 2. Số km chưa thể tiến hành xây dựng mở rộng nằm ở khu vực gần cầu Rạch Chiếc và gần Suối Tiên đã làm cho tuyến song hành bên phải này bị cắt khúc từng đoạn.... 

Đường song hành phải (hướng từ nội đô ra) thi công đến gần cầu Rạch Chiếc thì phải dừng lại do vướng ba cơ sở, đơn vị chưa bàn giao mặt bằng. Vì thế phần mặt đường vừa thi công xong được người dân "tận dụng" làm kho bãi và... để rác.

Đoạn song hành phải gần nút giao Tây Hòa vừa hoàn thành, đưa vào khai thác từng phần đã góp phần giảm tải cho phần đường chính của xa lộ Hà Nội và giúp người dân ở phía bên quận 9 đi lại thuận lợi hơn.

Nhưng đến gần cầu vượt trạm 2 thì đường song hành bị "đứt khúc" , chưa thi công tiếp đoạn đi thẳng chui dưới dạ cầu vượt. Người đi xe máy buộc phải đi qua khúc cong vòng của cầu vượt qua bên hông khu Công nghệ cao để hướng vòng tiếp về phía Suối Tiên, cầu Đồng Nai. Khúc cua cong này vốn rất nguy hiểm và mấy ngày gần đây lại xuất hiện tình trạng người dân vứt chai  pet còn nguyên nước bên trong ruột ra mặt đường làm cho nhiều xe đi qua bị vấp té....

Đường song hành bên trái, phía quận Thủ Đức, đoạn từ cầu Suối Cái, trước nhà máy Coca Cola đến nhà máy nước Thủ Đức đã thi công xong và tạm đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Nhưng qua khỏi ngã tư Thủ Đức thì đường song hành trái, hiện là đường Nguyễn Văn Bá, chạy trước mặt trụ sở UBND quận Thủ Đức không thể thi công tiếp vì vướng hàng rào hạng mục nhà ga Thủ Đức của tuyến metro số 1.

Ở vị trí các nhà ga metro khác dọc tuyến song hành bên trái bị đóng cửa, chưa thi công tiếp do công trình tuyến metro số 1 đang còn chờ rót vốn chưa biết ngày nào thi công trở lại. Điều này đồng nghĩa, đường song hành trái chưa biết chứng nào được thi công thông suốt.

Tại các vị trí có tạm mặt bằng, đơn vị thi công "tranh thủ" lắp đặt cống trước, lấp đất, giao lại mặt bằng cho bên metro và... chờ đến khi nào đơn vị này làm xong nhà ga thì mới có mặt bằng thi công hoàn chỉnh mặt đường song hành.

Do phải chờ metro làm xong, có mặt bằng mới làm được đường song hành trái hoàn chỉnh nên mặt đường hiện hữu gần ngã tư Bình Thái vừa hẹp vừa xấu gây khó khăn cho người dân đi lại.

Được khởi công từ tháng 4 -2016, theo kế hoạch sau 18 tháng thi công thì công trình nút giao hầm chui  cầu vượt trước Đại học Quốc gia, một hạng mục của mở rộng xa lộ Hà Nội sẽ hoàn thành.

Nhưng đến nay phần đường dẫn xuống hầm chui hở mới chỉ xong phần nền hạ,lu lèn phía trên mặt.

Theo thiết kế, đường hầm hở sẽ khoét sâu 6 m, dài 1.273 m để tạo thành đường rộng 36 m cho tám làn xe đi thẳng. Ở giữa đoạn đường đào sẽ xây dựng hai cầu vượt để quay đầu xe, mỗi cầu dài 38 m, rộng 17 m cho bốn làn xe. Cạnh đó, hai cầu vượt bộ hành nối từ trước cổng ĐH Quốc gia qua bên Khu du lịch Suối Tiên sẽ được xây dựng với mỗi cầu dài 110 m, rộng 4,1 m.

Đến nay, cầu vượt quay đầu cho dòng xe từ trong nội đô ra đã thi công xong nhưng phần đường lên khỏi hầm hở vẫn còn ngổn ngang...

Phần đường lên khỏi hầm hở vẫn chưa được đào đất để thi công...

Đường xuống hầm hở theo hướng từ cầu Đồng Nai đổ về TP cũng trong cảnh dở dang với những đống đá nằm giữa đường còn công nhân thì đang vét mương thoát nước, đắp đất lên taluy...

Theo ông Nguyễn Thanh Nam, giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội, Công ty con của CII, việc chậm xong các hạng mục ở hầm chui, cầu vượt nút giao Đại học Quốc gia là do vướng đoạn tuyến metro số  1 băng qua xa lộ Hà Nội chưa thi công xong, tháo dỡ hàng rào, giao mặt bằng....

Do đường chui chưa có nên các dòng xe vẫn phải đi tạm bên nách công trình nên việc lưu thông qua đây là khá phức tạp, nguy hiểm.

Đường song hành trái bên hông hầm chui cũng được tận dụng làm đường cho các loại xe ô tô lưu thông về hướng nội đô.

Riêng người đi xe máy, sau khi đi trên đường dân cư Tân Lập khi muốn nhập lại vào đường Xa lộ Hà Nội phải đi qua đoạn đường tạm lổn nhổn đá, sỏi và vũng lầy nước đọng...

Chung cảnh xuống cấp của các tuyến đường xung quanh là tấm bảng báo thông tin công trình đã treo hơn một năm qua nay đã rách bươm còn ngày hoàn thành công trình thì chưa biết đến bao giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới