Nóng trong tuần

Người bán hàng rong bị “làm luật”: Cần làm rõ người liên quan

(PLO)- Bạn đọc bức xúc trước tình trạng người bán hàng rong bị “làm luật” và mong cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những người liên quan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải loạt bài điều tra “Người bán hàng rong bị “làm luật” do PV báo thâm nhập thực tế tại chợ Long Thành, Đồng Nai đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

bán hàng rong bị “làm luật”
Loạt bài điều tra “Người bán hàng rong bị “làm luật”” thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong tuần qua.

Sau nửa tiếng báo Pháp Luật TP.HCM đăng trailer về vụ việc các tiểu thương ở chợ Long Thành, Đồng Nai bị thu tiền “làm luật”, người bảo kê này đã bị công an đưa về trụ sở làm việc.

Một số bạn đọc bày tỏ sự bức xúc trước hành vi làm tiền trên mồ hôi, nước mắt của người dân buôn bán vì phần lớn họ đều khó khăn. Đồng thời, bạn đọc cũng đề nghị cơ quan chức năng mở rộng điều tra những người liên quan trong câu chuyện “làm luật” này.

Có tình trạng bảo kê, sao địa phương không biết?

Bạn đọc Nhật Minh chia sẻ: “Đọc bài viết này mà rớt nước mắt, thương cho những người lao động nghèo, họ vì cuộc sống mưu sinh phải dãi nắng dầm mưa buôn bán được mấy đồng mà phải đóng tiền bảo kê. Tình trạng này cần phải dẹp dứt điểm để không gây bức xúc cho người dân”.

“Theo lời các tiểu thương và người dân thì việc “làm luật” này đã có từ lâu. Tại sao khi báo chí đưa tin, cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra? Nếu báo không phản ánh thì đối tượng thu tiền bảo kê trên mồ hôi của người dân vẫn cứ diễn ra. Vì thế cần phải xem lại cách quản lý của địa phương. Tôi thắc mắc vì sao tiểu thương biết, người xung quanh biết có tình trạng bảo kê ở địa phương nhưng sao cán bộ địa phương không biết mà xử lý ngay?” - bạn đọc Khôi Trần viết.

Bạn đọc Lê Nam nêu ý kiến: “Thông qua bài viết, tôi thật sự đồng cảm với những bán hàng rong bị “làm luật” một cách trắng trợn. Vì miếng cơm manh áo, lo cho cuộc sống gia đình nên họ phải chịu cực khổ, đã vậy mỗi tháng phải đóng hơn 1 triệu đồng để mong yên ổn làm ăn thì còn dư lại bao nhiêu nữa đâu. Mong cơ quan chức năng sớm xử lý những người “làm luật” quanh chợ Long Thành để trả lại sự bình yên cho người dân và tiểu thương. Cảm ơn các PV báo Pháp Luật TP.HCM đã thâm nhập thực tế để lên án một góc khuất trong xã hội hiện nay”.

“Địa phương cần có phương án tuyên truyền, hỗ trợ chỗ bán thuận tiện cho người bán hàng rong. Có như thế mới dẹp được tình trạng bảo kê, người mua bán lấn chiếm lòng đường.”

Địa phương nên hỗ trợ cho người bán hàng rong

Bạn đọc Hoàng Trung Linh bình luận: “Theo thông tin mà bài viết cung cấp, tôi nhận thấy nếu một mình thực hiện việc thu tiền bảo kê thì không thể làm được. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ những ai có liên quan, tiếp tay cho người thu tiền bảo kê tiểu thương để thực hiện hành vi thu tiền bất chính. Đồng thời cần xử nghiêm để làm gương, không để tình trạng này xảy ra ở các nơi khác”.

Bạn đọc Nhã My nói: “Bảo vệ chợ ngày nào cũng cầm loa đi kiểm tra, vậy mà không biết đến tình trạng bán hàng rong bị “làm luật” ở khu vực xung quanh chợ này? Mong ban quản lý chợ sớm có biện pháp tăng cường giám sát, phát hiện các đối tượng khả nghi, có dấu hiệu “làm luật” xung quanh chợ, báo cáo cơ quan chức năng để có giải pháp kịp thời”.

Bạn đọc Nguyễn Dung nêu ý kiến: “Lâu nay, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường đã trở thành vấn nạn gây bức xúc cho người dân. Dù rằng mọi người rất thông cảm cho những hoàn cảnh của người bán hàng rong nhưng cũng không thể cổ súy cho những vi phạm này. Vì thế, song song với việc xử lý dứt điểm tình trạng thu tiền “làm luật” người bán hàng rong thì địa phương cần có phương án tuyên truyền, hỗ trợ chỗ bán thuận tiện cho người bán hàng rong. Có như thế mới dẹp được tình trạng bảo kê, người mua bán lấn chiếm lòng đường”.•

Thu tiền bảo kê có thể bị phạt đến 20 năm tù

Việc đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác như thông qua lời nói, hành động uy hiếp tinh thần người khác, buộc những tiểu thương phải đưa tiền để chiếm đoạt là hành vi vi phạm pháp luật.

Người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Khung hình phạt của tội danh này cao nhất đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp người có hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính 3-5 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm