Người bình thường đáng kính

(PLO) - 18-4 là ngày của người khuyết tật. Tôi nghĩ không chỉ là ngày để chúng ta nghĩ về và chăm sóc họ mà còn là dịp để chúng ta chia sẻ và cám ơn những người bình thường có người thân chẳng may khiếm khuyết thể chất hay tâm thần.

Mẹ tôi, trước khi sinh tôi, có nhờ ông cậu (em ruột của bà ngoại) dẫn đi coi một ông thầy, ông nói trong các con của bà sẽ có một đứa bị tật. Khi sinh tôi, dứt cơn đau bà sờ khắp mặt mũi miệng tay chân và khóc vì hạnh phúc khi con mình lành lặn.

Hơn 20 năm trước, vợ tôi sinh con đầu lòng khi mới hơn 6 tháng tuổi thai. Tôi có 2 năm trời để "trải nghiệm" nỗi lo và sự vất vả khi chăm sóc đứa bé chưa hoàn chỉnh được sinh non. Thị lực, thính lực nhích từ 0/10 tới khi ổn, tay chân và phản xạ cũng vậy.

Sau 10 tuần ấp theo kiểu kangaroo là xuất huyết não khi hơn 2 tháng tuổi và 2 năm vật lý trị liệu để đứa bé có thể tập cầm nắm, tập phân biệt màu xanh với màu đỏ, màu vàng. Hồi đó có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến có ngày con tôi được như giờ.

Tôi có nhiều người bạn, người anh, người chị có con tự kỷ. Tôi hiểu họ đã hy sinh và thích nghi với sự bất thường của con cái đến mức nào. Tôi nghĩ, nửa số nụ cười và sức khoẻ trong đời họ thực sự đã héo mòn theo con. Ngay thú vui cả nhà cùng đi nghỉ hay thăm hỏi nhà bạn bè, với những cha mẹ có con tự kỷ nặng, là không thể. Chưa kể giấc ngủ sau một ngày làm việc, sự tĩnh lặng bên cốc cà phê hay việc làm cho nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp là khó.

Còn nếu bạn có một người thân trầm cảm, bạn sẽ trở thành cái gì? Chuyên gia tâm lý, cảnh sát hay vệ sĩ? Không có một lý lẽ thông thường nào lọt tai người trầm cảm để bạn có thể thuyết phục sự "điên rồ" của họ khi mà ý muốn tự tử luôn xâm chiếm trong đầu. Tôi đã gặp cả chục chuyên gia, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là khi bạn biết rõ người thân bị trầm cảm, biết rõ bạn cần có họ, bạn sẽ biết nên làm gì.

Bạn tôi có con sinh non. Ngày biết tin, tôi nhớ lại những trải nghiệm của mình và nói với bạn rằng việc sinh ra một đứa trẻ bình thường đã là một điều vĩ đại.

Cả nước hiện nay có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Xã hội càng phát triển, chúng ta càng có kiến thức và kỹ năng về những bất thường của con người, không chỉ là dị tật về hình thức, thể chất hay tâm thần mà mắt thường hay giao tiếp phổ thông có thể nhận biết. Nó nhắc nhở chúng ta rằng ta đang hạnh phúc hơn hàng triệu người. Rằng nếu có luật công bằng thì nên bớt ham hố khi mình và con cái bình thường đã là phần hơn so với những người bất hạnh ở đời.

Tôi cũng từng ghét vài người, và cũng biết rằng không nên lấy chuyện này lấp chuyện kia, nhưng khi biết những thiệt thòi mà họ phải chịu do có con cái khuyết tật, khiếm khuyết thể chất, trong tôi cứ trào lên sự day dứt, ân hận. Như thể mình đã làm điều gì không đúng, không đủ rộng lượng và đã vô tâm.

Ngày 18-4 là ngày của người khuyết tật. Tôi nghĩ đây không chỉ là ngày để chúng ta nghĩ về và chăm sóc họ, những người khuyết tật mà còn là dịp để chúng ta chia sẻ và cám ơn những người bình thường có người thân chẳng may khiếm khuyết thể chất hay tâm thần. Bởi họ, là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất, chịu lo toan nhiều nhất và khi nào cũng ở trong một cuộc chiến để chăm sóc, bảo vệ và níu kéo những người khuyết tật về lại với những điều bình thường!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới