Người cựu tù Côn Đảo và tấm lòng với Hoàng Sa

Suốt những năm qua, không chỉ bỏ công sức đi tìm những người bạn tù xưa, ông Lê Văn Cảnh, một cựu tù Côn Đảo ở phường Cẩm Châu, TP Hội An (Quảng Nam), còn là người đứng ra kết nối các nhân chứng Hoàng Sa với hy vọng có thêm tư liệu, câu chuyện quý về quần đảo này của Tổ quốc. 
Cuộc gặp tình cờ với bà cụ Việt kiều
“Đó là cuộc gặp tình cờ và thú vị. Tôi và bà cụ về sau trở thành bạn bè” - ông Cảnh bật cười, bắt đầu câu chuyện về tấm bản đồ Việt Nam. 
Ông kể vào một trưa tháng 4, trong lúc đi phôtô hồ sơ, ông gặp một bà cụ dáng khắc khổ, nói giọng Bắc đang in sao tấm bản đồ bằng tiếng Pháp. Khi ấy chủ tiệm đã in ra năm tờ nhưng bà cụ đều không hài lòng vì màu quá đậm. Sẵn biết một chút tiếng Pháp, ông ngó qua thì nhận ra đó là bản đồ lãnh thổ Tổ quốc, phần chú giải có ghi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ông Cảnh mừng quýnh, ngỏ ý xin lại thì được bà cụ đồng ý.
“Một tờ phôtô khi đó giá 45.000 đồng nhưng tôi chỉ còn trăm mấy ngàn thôi. Tôi đành lấy trước ba tờ, còn hai tờ gửi chủ tiệm rồi chạy xe về nhà lấy tiền. Lúc quay lại thì một tờ bị ai lấy mất tiêu, bà cụ cũng không còn ở tiệm phôtô nữa” - ông Cảnh cho hay
Vốn là người thích tìm hiểu, sưu tầm tư liệu lịch sử nên những ngày sau đó, ông thường dành thời gian để nghiền ngẫm tấm bản đồ. Ông nghĩ bụng mình là nông dân, không thể hiểu hết thông tin trên bản đồ này nhưng chỉ cần có Hoàng Sa, Trường Sa là ưng bụng rồi. Mình sẽ đem tặng UBND huyện đảo Hoàng Sa vì biết đâu nó sẽ có giá trị trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 
Nghĩ là làm, hôm sau ông Cảnh nhờ con gái chở ra Đà Nẵng, gặp và trao tận tay tư liệu này cho ông Lê Tiến Công (Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, nơi đang lưu trữ hàng trăm tư liệu quý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam). 
Vài ngày sau, ông Cảnh quyết định quay lại tiệm phôtô dò thông tin về bà cụ thì được biết bà là Tô Nguyệt Hạnh, người ở thôn Đồng Nà, phường Cẩm Hà, TP Hội An. Ông liền ra vườn hái vài trái xoài bỏ vào túi rồi mang đến nhà bà. “Thấy tôi, bà cụ khá bất ngờ. Tôi cũng ngạc nhiên khi biết bà là Việt kiều Pháp. Hỏi mới biết bà cụ quê Hải Phòng, hồi trẻ từng sang Pháp học rồi lấy chồng bên đó. Tấm bản đồ do bạn bè của bà ở Pháp gửi tặng. Bà cụ nghe tôi bảo đã gửi tặng nó cho Nhà trưng bày Hoàng Sa thì rất vui. Bà cụ nói bạn của bà còn một số tấm bản đồ khác nữa, chuyến sang Pháp tới đây, bà sẽ chụp lại mang về cho tôi” - ông hào hứng kể. 

Ông Cảnh và tấm bản đồ lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: T.AN

Kết nối nhân chứng Hoàng Sa
Ông Cảnh sinh năm 1951, hồi trẻ tham gia cách mạng tại địa phương, bị địch bắt và giam giữ ở Côn Đảo từ năm 1970 đến 1973. Hòa bình lập lại, ông trở về địa phương và xây dựng gia đình. Ông tâm sự mình có duyên với những người từng sống trên quần đảo này. “Tôi có ông bạn đi tắm biển chung, từng ở Hoàng Sa trước năm 1974. Mỗi lần gặp nhau, ông ấy hay kể cho tôi nghe về cuộc sống ngoài đó, mọi người sinh hoạt ra sao, đi bắt cá thế nào. Có lẽ vì thế mà Hoàng Sa trong tôi rất đỗi thân thuộc. Hồi trước tôi làm xây dựng, đi nhiều nơi nên ông ấy thường nhờ tôi tìm giúp những người bạn cùng ở Hoàng Sa thời đó” - ông Cảnh kể. 
Mỗi lần có dịp, ông Cảnh và những cựu binh Hoàng Sa vẫn thường gặp mặt để kể cho nhau nghe về những kỷ niệm trên mảnh đất này. 
“Tôi tin trong tiềm thức của mỗi chúng ta, Hoàng Sa là của Việt Nam, đó là chuyện đương nhiên kiểu như đói thì phải ăn, khát thì phải uống vậy. Mỗi lần nhắc về quần đảo này giống như nhắc về một đứa con xa nhà và luôn được gia đình thương nhớ, mong mỏi” - ông Cảnh tâm sự. 
Không chỉ kết nối nhân chứng Hoàng Sa, ông Cảnh còn có sở thích sưu tầm tư liệu về lịch sử đất nước nói chung, chủ quyền biển, đảo nói riêng. Nghe ở đâu có tư liệu quý, ông đều tìm cách liên lạc để xin hoặc sao chụp lại rồi mang tặng Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Miệt mài tìm lại bạn tù xưa

Hào hứng khi nói về tấm bản đồ nhưng khi nhắc về quãng thời gian bị địch giam giữ tại Côn Đảo, ông Cảnh bỗng chùng xuống. Ông bảo năm tháng có thể làm lành phần nào thương tích trên cơ thể nhưng nào có xóa được những vết thương tinh thần mà ông từng trải qua. Có một điều đặc biệt là dù lớn tuổi, bắt đầu lãng tai và mắc chứng hay quên nhưng riêng tên, địa chỉ của những người bạn tù năm xưa thì ông vẫn nhớ như in. 

45 năm kể từ ngày Nam, Bắc sum họp một nhà cũng là chừng đó thời gian ông dành để đi tìm lại những người bạn tù năm xưa. Có người còn, người mất, có người nhớ ra ông, có người không. 

Hiện ông Cảnh là phó Ban liên lạc hội tù Côn Đảo TP Hội An. Hội gồm 64 người, ngoài gặp mặt hằng năm, hễ có trường hợp nào khó khăn, đau ốm thì các ông đều trích quỹ để thăm hỏi, động viên kịp thời.  


Không bao giờ lãng quên Hoàng Sa!
Không bao giờ lãng quên Hoàng Sa!
(PLO)- Ngày này 46 năm trước (19-1-1974), Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Người Việt Nam đời đời không lãng quên phần máu thịt thiêng liêng này của Tổ quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm