Người đàn bà vác tù và hàng tổng

Ở thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức, Long An) có bà Lê Thị Mai có tiếng trong chống tham nhũng, tiêu cực. Hễ nghe nơi đâu có vụ việc sai phạm, bà liền tìm đến thu thập thông tin, chứng cứ… để phản ánh, tố cáo. Rất nhiều vụ việc bà tố đúng, có vụ bà còn “hạ bệ” cả chủ tịch huyện.

Người đàn bà vác tù và hàng tổng ảnh 1

Bà Lê Thị Mai quyết chống tiêu cực đến cùng. Ảnh: TÂM PHÚC

Giữa đường gặp chuyện bất bằng chẳng tha

Chuyện kể rằng hôm ấy bà Mai tình cờ đi ngang qua một phòng công chứng, nghe có vụ cãi vã lùm xùm bà liền tạt vào… nghe chơi. Chứng kiến cảnh một người đàn ông ra dáng cán bộ đang lời qua tiếng lại với một phụ nữ chuyện tiền nong, giấy tờ, bà lấy làm nghi ngờ. Dò hỏi, bà biết được người đàn ông đó tên là Nguyễn Thành Thanh, đương kim chủ tịch UBND huyện Bến Lức bấy giờ.

Tìm hiểu thêm bà Mai biết ông chủ tịch này chơi trò “lật kèo” với chị phụ nữ nọ. Số là ông chủ tịch có sang nhượng đất đai với người phụ nữ kia, người kia lại bán tiếp cho người thứ ba. Thay vì phải làm thủ tục mua bán lần lượt qua từng người một, vị chủ tịch đồng ý ký tên chuyển nhượng thẳng cho người thứ ba để người thứ hai né nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Đổi lại, ông sẽ nhận được một khoản tiền “lại quả” kha khá. Ấy thế nhưng khi đã nhận được 20 triệu đồng, ông chủ tịch vẫn cù cưa không chịu ký tên khiến chị phụ nữ kia bức xúc. Sự việc trở nên rùm beng, ông chủ tịch huyện liền sai người nhà mang trả lại tiền…

Bất bình, bà Mai liền gửi đơn thưa đến huyện, tỉnh, đề nghị làm sáng tỏ. Thời điểm này cả nước đang diễn ra bầu cử HĐND ba cấp, ông Thanh bị cắt tên ra khỏi danh sách ứng cử viên HĐND huyện. Và như vậy ông chủ tịch không được bầu vào HĐND, đương nhiên ông không còn cơ hội để được bầu vào chức chủ tịch huyện nữa. Ngoài ra, ông Thanh đã bị kiểm điểm về mặt Đảng và chính quyền, đồng thời cơ quan chức năng xử phạt, truy thu số tiền các cá nhân đã trốn thuế, buộc các bên phải làm đúng thủ tục sang nhượng đất và nộp thuế đầy đủ.

Sai phạm đã rõ nhưng vẫn chần chừ

Có rất nhiều vụ việc sai phạm đất đai ở Bến Lức được bà Mai phản ánh chính quyền đã vào cuộc, kết luận đúng sai rõ ràng. Thế nhưng sau đó chính quyền lại không xử lý rốt ráo đến nơi đến chốn khiến dư luận bất bình. Điển hình như vụ gia đình của các cán bộ đương chức lẫn về hưu lấn chiếm đất công để sử dụng hoặc cho thuê dưới đây.

Đó là hộ bà Phây (vợ ông Sơn đang công tác tại Huyện đội Bến Lức) chiếm phần đất mặt tiền phố, cặp đường Nguyễn Hữu Thọ, khu phố 2 (diện tích gần 123 m2, bên cạnh căn nhà bốn tầng của mình). Trước đây bà Phây cho thuê bán quán cà phê, đầu năm 2011 bà cho xây bốn kiốt, cho thuê thu lợi. Đó là hộ ông Phạm Văn Triều, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Bến Lức, hiện đang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, đã lấn chiếm 103 m2 đất công ở khu phố 5, cạnh chợ Bến Lức, xây dựng nhà bán kiên cố và cho thuê mặt bằng mở sạp bán vải, quần áo…

Tương tự, hộ ông Bùi Việt Hùng, nguyên Trưởng Công an huyện Bến Lức, chiếm hai lô đất công cặp quốc lộ 1A, đầu đường rẽ vào chợ Bến Lức. Trong đó, lô đất 137 m2 đã cất nhà bán kiên cố mở nhà sách Bến Lức, lô đất trên 120 m2 cạnh bên thì mở quán bán cà phê. Sát ranh hộ ông Hùng là hộ ông Phạm Văn Thái, lấn chiếm đất công cạnh Bưu điện huyện Bến Lức, diện tích hơn 78 m2, xây dựng nhà ở và che thêm mái tạm phía ngoài bán quán cơm.

Trong số những hộ dân được bà Mai để ý có hộ ông Lâm Văn Tính ở khu phố 5, hộ này từng chiếm trái phép gần 785 m2 đất ao. Trước đây khu đất này nối thông ra sông Vàm Cỏ, từng là bến ghe xuồng neo đậu. Do chính quyền quản lý không chặt, ông Tính đã tự ý san lấp để xây nhà và dựng lên cổng rào bít lối đi của một số hộ dân. Đồng thời ông còn làm thủ tục đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất này. Tháng 4-2008, ông được UBND huyện cấp giấy.

Từ đơn phản ánh của bà Mai, cơ quan chức năng vào cuộc. Cuối tháng 9-2008, UBND huyện ra quyết định thu hồi giấy đỏ đã cấp cho ông Tính. Song song đó, UBND huyện chỉ đạo trưởng Phòng TN&MT huyện phối hợp với UBND thị trấn Bến Lức tiến hành thu hồi giấy đỏ lỡ cấp và điều chỉnh lại sổ bộ địa chính. Đến nay đã hơn ba năm nhưng UBND thị trấn chỉ mới cắm mốc xác định ranh giới đất công, riêng đất và nhà xây dựng trái phép vẫn còn sờ sờ, gia đình ông Tính vẫn đang sử dụng.

Quyết truy đến cùng!

Những trường hợp trên đều đã bị UBND thị trấn Bến Lức lập biên bản vi phạm, buộc tháo dỡ, trả lại toàn bộ diện tích đất chiếm dụng, xây dựng trái phép. Tuy nhiên, đến nay cả năm hộ trên chưa tháo dỡ công trình vi phạm, chính quyền cũng chưa tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, khôi phục nguyên trạng, trả lại đất công cho Nhà nước.

“Mặc dù chính quyền nhìn nhận sai sót và khắc phục hậu quả nhưng chẳng hiểu vì sao họ không chịu thu hồi đất, bán đấu giá hoặc sử dụng vào mục đích công, tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước” - bà Mai nói. Bức xúc, bà gửi đơn tố cáo luôn những người có trách nhiệm nhưng không thực hiện đến nơi đến chốn công tác cưỡng chế, buộc tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất công lấn chiếm.

Ông Đặng Phước Chín, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bến Lức, cho biết: “Hiện không còn thời hiệu để ban hành các quyết định xử phạt hành chính, hành vi vi phạm của các hộ này. Đây là hậu quả các cấp lãnh đạo tiền nhiệm để lại, một thời gian dài chính quyền không kiên quyết xử lý… khiến công dân bức xúc, khiếu nại, tố cáo vượt cấp”.

Mới đây, bà Mai lại diện kiến với bí thư Huyện ủy và chủ tịch UBND huyện để chất vấn vì sao chậm xử lý các trường hợp sai phạm. Bà Mai nói bà đi tố cáo sai phạm từ huyện lên tỉnh riết muốn nhẵn mặt, chỉ mong chính quyền trong sạch, giải tỏa được dư luận bất đồng của xã hội. “Một số các bộ cấp huyện, thị trấn có tâm huyết rất bức xúc nhưng vì tế nhị và ngại không dám ra mặt công khai chống tiêu cực. Họ ủng hộ tôi, nhờ vậy tôi mới có đủ thông tin để đi tố cáo. Việc tôi làm có thể không được lòng mấy ông lãnh đạo. Nhưng tôi nghĩ đó là quyền và nghĩa vụ của một công dân nên kiên trì, đeo bám đến cùng” - bà Mai nói.

***

Nhận xét về bà Mai, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, nói: “Đa số đơn tố cáo của chị Mai đều có cơ sở. Qua đó giúp địa phương tiếp thu được nhiều thông tin, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục sai sót. Chúng tôi đang phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tỉnh làm rõ nội dung đơn thư tố cáo từng vụ việc một cách công khai, minh bạch, không bao che”.

Còn ông Nguyễn Công Trình, Bí thư Huyện ủy Bến Lức, nói: “Có việc không liên quan đến lợi ích cá nhân nhưng chị Mai vẫn đi đến người này người kia, thâm nhập nắm thông tin để phản ánh. Nói chung mối quan hệ giữa chính quyền và chị Mai không có vấn đề gì. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin của chị trên tinh thần cầu thị”.

Uất chuyện nhà nên “vác tù và hàng tổng”

Bà Mai tâm sự sở dĩ bà ngày càng kiên quyết chống tiêu cực là vì ban đầu bà bức xúc từ chuyện của chính mình.

Nguyên phần diện tích bà xây dựng thêm trước đây có một đường thoát nước chung của một số hộ. Khi các hộ đó có đường thoát nước riêng, bà bèn san lấp để nới rộng căn nhà. Từ năm 2000, bà bị chính quyền ra quyết định phạt hành chính vì cho rằng bà xây dựng nhà không phép, buộc phải tháo dỡ. Bà khiếu nại, chính quyền lại “chuyển hướng”, công nhận phần đất ấy thuộc về hộ khác. Cuối cùng chủ tịch huyện thời đó thu hồi quyết định buộc bà tháo dỡ nhà, thu hồi luôn quyết định công nhận phần đất đề cập thuộc về hộ khác. Đồng thời, chính quyền cho rằng phần đất đó là đường thoát nước công cộng. Hiện vụ việc đang được TAND tỉnh Long An thụ lý giải quyết.

“Vụ việc của tôi đúng sai sẽ do tòa phân xử. Tôi chỉ bức xúc tại sao chuyện của tôi thì chính quyền cho đó là đất công, còn ông Phạm Văn Triều, Chủ tịch UBND thị trấn khi đó, lấn chiếm đất công thì lại không được xử lý dứt điểm” - bà Mai nói.

Vậy là bà Mai bắt đầu dấn thân vào chuyện chống tiêu cực. Từ chuyện chính quyền thị trấn chi sai tiền hỗ trợ cho hộ nghèo ăn tết đến chuyện cán bộ lấn chiếm đất công, chuyện gian lận trong bầu cử ở xã Thạnh Đức, xã Nhựt Chánh… bà đều xắn tay tố cáo.

TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm