Ngay khi nhận được tin báo, Công an xã Hà Kỳ đã có mặt tại hiện trường, đồng thời báo cáo sự việc lên Công an huyện Tứ Kỳ và Công an tỉnh Hải Dương. Kết quả khám nghiệm tử thi ban đầu xác định bà Phạm Thị Vông (SN 1959) và anh Phạm Văn Tuấn (SN 1982) tử vong do đa chấn thương, mất máu cấp với nhiều vết chém ở vùng đầu, cổ và mặt. Bà Vông bị chém 7 nhát, anh Tuấn bị chém 4 nhát do dao rựa và dao phay. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ một con dao phay và một con rựa được vứt ở gốc chuối trong vườn nhà.
Kẻ gây án được xác định chính là Phạm Văn Hải, là chồng và cha của các nạn nhân. Công an đã bắt giữ y trong lúc đang ở nhà như không có chuyện gì xảy ra. Khi bị dẫn giải đi, Hải còn “cẩn thận” dặn dò lực lượng công an: “Các anh niêm phong nhà tôi cẩn thận, không được cho bất kỳ ai vào”.
Theo một nhân chứng là anh Phạm Văn Độ (SN 1982), họ hàng gần nhà Hải: “Khoảng 5h sáng ngày 3/5, tôi đến định đưa anh Tuấn đi khám bệnh, vì trước đó anh ấy có biểu hiện không bình thường về mặt tâm lý. Khi tôi đến thì ông Hải đang ngồi trong nhà, còn anh Tuấn và bà Vông đang nằm trên giường, trên người bê bết máu.
Tôi vội chạy lại xem thì thấy hai người đã chết. Sau đó, tôi hỏi ông Hải thì ông ta thừa nhận đã dùng dao phay giết chết hai người. Tôi khuyên ông Hải đến công an xã tự thú nhưng ông ta không nghe nên tôi đã đi trình báo vụ việc”.
Hung thủ bất thường, chuyên cày đêm
Tại ngôi nhà vừa xảy ra án mạng, người thân, chòm xóm đang tụ tập, người góp của, người góp công để lo hậu sự cho những người vừa khuất. Sáng ngày 3/5, họ còn nhìn thấy ông Hải đi mua hoa. “Nhìn thấy ông Hải đi chợ, tôi hỏi mua hoa làm gì. Ông ấy nói mua về nhà thắp hương, ai ngờ sau đó lại ra tay với vợ con mình như thế”, một người nói.
Gia đình Hải có hoàn cảnh hết sức khó khăn, kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp. Tuấn là con trai cả nhưng chưa lập gia đình, hai người em gái một người lấy chồng trong miền Nam, người còn lại lấy chồng ở Hải Phòng. Gia đình có ít họ hàng, gia cảnh lại khó khăn nên tang lễ của hai nạn nhân đều do mọi người trong thôn, xã và chính quyền gom góp tiền lo hậu sự, hết khoảng 25 triệu đồng.
Theo người dân thôn Trạch Lộ, trước khi xảy ra án mạng đau lòng, ông Hải có những biểu hiện thần kinh không bình thường. Thỉnh thoảng ông ta uống rượu say và chửi bới vợ con, hàng xóm đến can ngăn cũng bị chửi “lây”. Nhiều lần mọi người đã động viên ông ta đi khám bệnh nhưng Hải không chịu.
Trong công việc đồng ruộng, khi mọi người đi ra đồng làm ban ngày thì ông Hải lại đi làm ban đêm, nói đi làm đêm cho mát. Vừa qua, khi thôn Trạch Lộ được đón nhận bằng văn hóa, ông Hải còn nằng nặc đòi lên phát biểu cảm xúc, nhưng mọi người không cho và đưa về nhà.
Ông Phạm Xuân Quy - Trưởng thôn Trạch Lộ cho biết: “Gia đình ông Hải chỉ có căn nhà cấp bốn xây dựng nhiều năm hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, mái nhà thì dột nát gần hết chỉ còn một gian duy nhất may mà còn kê được hai chiếc giường và một lối đi hẹp. Kinh tế gia đình chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên không có gì khá giả. Còn anh Tuấn ngoài lúc làm nông thì ở nhà có đi làm xây dựng nhưng chỉ xây dựng nhà cửa quanh thôn. Trước kia, hộ gia đình ông Hải từng được chính quyền bình bầu hộ nghèo để được hưởng sự quan tâm của Nhà nước, nhưng ông đã từ chối”.
Nhiều người dân cho rằng, do không được đưa đi giám định tâm thần kịp thời nên ông Hải mới gây ra vụ việc đau lòng như vậy. Vụ việc hiện vẫn đang được điều tra làm rõ./.
Theo phapluatvn