Người dân sẽ được phép tổ chức đám tang, đám cưới ở vỉa hè, lòng đường?

(PLO)- Bộ GTVT cho phép người dân được sử dụng vỉa hè, lòng đường để tổ chức đám tang, lễ cưới, đỗ xe… nhưng phải xin phép.

Luật hiện hành cấm và xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng lòng đường, hè phố trái phép. Tuy nhiên, thực tế cá nhân, tổ chức chiếm dụng lòng đường, hè phố để phục vụ mục đích khác vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là khu vực TP.HCM và Hà Nội.

Nhiều trường hợp chiếm vỉa hè, lòng đường

Anh Trần Văn Tiến, ngụ ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho hay căn nhà của mình diện tích chỉ vỏn vẹn 50 m2, vì vậy mỗi lúc có đám tiệc thường phải dựng thêm rạp ở vỉa hè và một phần lòng đường. Những lần đó anh chỉ xin phép những người xung quanh để họ thông cảm.

“Hầu hết mọi người đều đồng ý cho làm, và khi xong việc tôi đều dọn dẹp sạch sẽ để không bị mọi người quở trách…”- anh Tiến nói và cũng thừa nhận việc cá nhân làm ảnh hưởng đến người đi đường, không đảm bảo an toàn giao thông, nhưng không có phương án khác.

Trong khi đó, anh Trương Hà Anh, ngụ quận Nam Từ Liêm, cho rằng cần phải thừa nhận một thực tế là hiện nay nhiều người đang sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác khá phổ biến, đặc biệt là ở các đô thị có mật độ dân cư dày đặc như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…

Thay vì cấm, anh Hà Anh cho rằng cần tìm cách quản lý phù hợp để vừa đảm bảo an toàn giao thông, nhưng cũng vừa tạo điều kiện cho người dân khi “nhà có việc”.

Người dân chiếm dụng gần hết lòng đường để dựng rạp cưới. Ảnh minh họa: HẢI DƯƠNG

Theo Bộ GTVT, thực tế Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), đã có quy định rõ về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè và giao cho Bộ GTVT trình Chính phủ quy định chi tiết về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông đường bộ. Theo đó, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành về nội dung trên.

Trong đó, bộ này đề xuất Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ các hoạt động: sự kiện chính trị và hoạt động văn hoá, thể thao; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống cháy nổ; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh; phục vụ thi công xây dựng công trình.

Cạnh đó, người dân cũng được sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường huyện, xã, thôn, đường chuyên dùng, đường đô thị nhưng không bao gồm đường phố chính đô thị theo quy định. Cụ thể được sử dụng vào việc tập kết, thu gom rác thải, vật liệu xây dựng; tổ chức đám tang; tổ chức đám cưới; sử dụng vào việc trông, giữ phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp cần thiết.

Đường cao tốc không cho phép sử dụng để thực hiện các mục đích trên, trừ khi có yêu cầu đặc biệt về quốc phòng, an ninh.

Thêm vào đó, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác chỉ được thực hiện khi có phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hoặc có phương án phân luồng giao thông đường bộ tránh đoạn tuyến này.

Xử lý gấp đơn đề nghị tổ chức đám tang

Cũng theo Bộ GTVT, dự thảo nghị định cũng quy định các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác phải có đơn đề nghị cấp phép của khu quản lý đường bộ thực hiện đối với quốc lộ được giao quản lý; Sở GTVT thực hiện đối với đường được giao quản lý; UBND cấp huyện, xã thực hiện đối với đường được giao quản lý; Sở Xây dựng thực hiện đối với vỉa hè đô thị.

Trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận không quá 1 ngày đối với đám tang, không quá 5 ngày làm việc đối với các trường hợp khác. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

“Cá nhân, tổ chức được cấp phép phải trả lại nguyên trạng lòng đường, vỉa hè khi kết thúc việc sử dụng; bồi thường thiệt hại gây ra nếu hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ…”- Bộ GTVT đề xuất.

Vỉa hè cũng bị lấn chiếm làm bãi đậu xe. Ảnh: P.HÙNG

Với đề xuất trên, anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ ở quận Hà Đông cho rằng việc quản lý vỉa hè, lòng đường là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, anh nhận thấy quy định cần được cơ quan chức năng “gật đầu” mới làm thiếu tính thực tế, vì nhiều vị trí là đường độc đạo, nếu xin phép chắc chắn không được chấp thuận, như vậy họ sẽ không chấp hành khai báo và dẫn đến việc nhờ luật.

Trường hợp triển khai, anh Hùng đề xuất nên ứng dụng công nghệ để tạo điều kiện cho người dân. Theo đó, cá nhân và tổ chức nào muốn sử dụng vỉa hè, lòng đường chỉ cần nộp hồ sơ trực tuyến, khi tiếp nhận cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xem xét cấp phép: “Cách làm này tránh phiền hà cho dân lại bớt phát sinh tiêu cực”- anh Hùng nói.

Thêm vào đó, anh Hùng cũng cho rằng trong thực tế có thể xảy ra trường hợp cơ quan chức năng cấp phép, nhưng người dân xung quanh không chấp nhận.

Điển hình vừa qua một đám cưới ở Quảng Ninh, nhà cô dâu đã sang xin phép hàng xóm được dừng rạp cưới ở lòng đường và được người mẹ đồng ý, nhưng người con trai của gia đình này không chấp thuận nên dùng ô tô tông gãy rạp cưới. Sự việc sau đó được chính quyền địa phương hoà giải.

Qua đó, anh Hùng cho rằng Bộ GTVT cần nghiên cứu các quy định để phù hợp với thực tiễn và khi luật ban hành "có thể thực thi được".

Không cần quy định diện tích mặt đường

Góp ý đề xuất trên, UBND TP Hải Phòng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ mặt đường tối thiểu là bao nhiêu mét mới được sử dụng vào mục đích khác.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc quy định cụ thể mặt đường rộng bao nhiêu mét là không khả thi. Do mỗi mục đích khác nhau có yêu cầu khác nhau.

Ví dụ, sử dụng vào việc tổ chức sự kiện chính trị như meeting thì cần sử dụng toàn bộ lòng đường và vỉa hè, nhưng khi sử dụng vào việc đám cưới thì có thể chỉ cần sử dụng vỉa hè.

“Do đó Nghị định chỉ quy định các trường hợp được sử dụng vào mục đích khác phù hợp với luật và trách nhiệm đảm bảo trong việc an toàn và trách nhiệm trong việc sử dụng vào mục đích khác…”- Bộ GTVT cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới