Sáng 27-4, LĐLĐ TP. HCM tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của đại diện LĐLĐ các quận, TP Thủ Đức và Công đoàn các Khu chế xuất-Công nghiệp TP.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Chí Tâm - phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết, thương lượng tập thể được coi là chìa khóa giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng tại mỗi doanh nghiệp.
|
Ông Phạm Chí Tâm - phó Chủ tịch LĐLĐ TP phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
“Một bản thỏa ước lao động tập thể (LĐTT) sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ). Nó giúp giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động. Đặc biệt góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giúp nhiều doanh nghiệp phát triển ổn định.” - ông Tâm khẳng định.
Cũng theo ông Tâm, dù thỏa ước LĐTT đem lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên đến nay, việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước LĐTT vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và NLĐ quan tâm. Đây cũng là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của NLĐ chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ,…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu phản ánh thực trạng một số cán bộ công đoàn cơ sở chưa nghiên cứu sâu về pháp luật lao động, rèn luyện kỹ năng thương lượng, tổ chức ký kết. Từ đó việc giám sát thực hiện thỏa ước LĐTT chưa đạt chất lượng dẫn đến việc thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT chưa được nhân rộng.
|
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Đa số NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết trong ký kết và thực hiện thỏa ước LĐTT. NLĐ chưa thật sự chú ý, thấy được sự cần thiết của thỏa ước và chưa coi đó là "bộ luật con" của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp còn né tránh, chưa tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ theo quy định hoặc có tổ chức nhưng chỉ là hình thức, chưa chú trọng nội dung. Thời gian dành cho việc thảo luận còn ít, chưa động viên được NLĐ tham gia ý kiến đóng góp.
Một số bản thỏa ước LĐTT nội dung còn chung chung, nhiều bản còn sao chép lại nội dung của Bộ luật lao động và nội quy lao động. Có nhiều doanh nghiệp trong thực tế đã thực hiện các quy định có lợi cho NLĐ so với pháp luật lao động nhưng không đưa vào thỏa ước LĐTT nhằm tránh sự ràng buộc của pháp luật.
|
Đại biểu nêu ý kiến kiến nghị lên các cấp công đoàn. |
Các đại biểu kiến nghị các cấp Công đoàn tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng cố tình không thành lập Công đoàn nhằm tránh né xây dựng thỏa ước LĐTT.
Xử lý nghiêm những doanh nghiệp đã xây dựng và đăng ký thỏa ước LĐTT nhưng không triển khai thực hiện dẫn đến tình trạng đình công, ngừng việc tập thể, gây bất ổn quan hệ lao động trong thời gian qua.
Cần quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kỹ năng thương lượng, đàm phán ký kết thỏa ước LĐTT đối với đội ngũ cán bộ Công đoàn. Tuyệt đối không sao chép luật trong nội dung thỏa ước. Đẩy mạnh tuyên truyền cho NLĐ và người sử dụng lao động hiểu rõ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, mục đích, ý nghĩa trong thực hiện thỏa ước LĐTT.