Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, nguyên đơn trong vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe với Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Phong Châu, vừa có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) vì cho rằng mức bồi thường tòa tuyên chưa thỏa đáng.
Kiện đòi bồi thường vì chồng gặp nạn
Theo hồ sơ, ông Lưu Mạnh Tuấn (chồng bà Hạnh, sinh năm 1981, quê Nghệ An) là công nhân thời vụ trong đội ép cọc của Công ty Phong Châu. Công ty Phong Châu thuê ông Tuấn phụ trách ép cọc cho một công trình tại quận 9 (TP.HCM).
Chủ đầu tư công trình này là Công ty CP Nhà Việt Nam. Công ty CP Nhà Việt Nam thuê Công ty Phong Châu thi công một số hạng mục công trình. Sau đó, Công ty Phong Châu giao lại Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Tân thi công một phần gói thầu (ép 16 cọc bê tông). Khoảng 13 giờ ngày 18-10-2012, khi đang làm việc tại công trình trên, ông Tuấn bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong.
Quá trình điều tra, CQĐT Công an quận 9 ra quyết định không khởi tố vụ án vì hành vi không cấu thành tội phạm.
Theo bà Hạnh, ba công ty trên đã hỗ trợ cho gia đình 186 triệu đồng, trong đó phần Công ty Phong Châu chỉ có 15 triệu đồng. Chồng bà là lao động chính trong nhà, nay đã mất, số tiền trên không đủ để bà nuôi hai con đến tuổi trưởng thành (con lớn hiện 13 tuổi, con nhỏ mới bảy tuổi). Vì vậy, bà khởi kiện ra TAND quận Thủ Đức (nơi Công ty Phong Châu có trụ sở) yêu cầu Công ty Phong Châu cùng hai công ty liên quan phải liên đới bồi thường hơn 800 triệu đồng cho các khoản thiệt hại về tính mạng, chi phí mai táng, tổn thất về tinh thần, tiền cấp dưỡng cho hai con...
Từ khi thụ lý cho đến khi xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức đã nhiều lần triệu tập Công ty Phong Châu đến làm việc nhưng phía công ty này không đến.
Bà Hạnh kháng cáo bản án sơ thẩm vì không đồng tình với mức bồi thường tòa tuyên. Ảnh: T.VÂN
Trong khi đó, phía Công ty CP Nhà Việt Nam cho rằng tai nạn xảy ra do lỗi của ông Tuấn. Bản thân ông Tuấn không có hợp đồng lao động với Công ty Nhà Việt Nam nên công ty này không có trách nhiệm gì với ông. Sau tai nạn, công ty cũng đã đôn đốc, theo dõi, hỗ trợ việc khắc phục hậu quả cho gia đình ông Tuấn.
Phía Công ty Mỹ Tân cũng cho rằng mình chỉ nhận thầu từ Công ty Phong Châu để thi công. Ông Tuấn là công nhân của Công ty Phong Châu, không phải là công nhân của Công ty Mỹ Tân nên Công ty Mỹ Tân không có trách nhiệm gì. Dù vậy, công ty cũng đã tự nguyện hỗ trợ cho gia đình ông Tuấn 206 triệu đồng.
Đại diện Công ty Nhà Việt Nam và Công ty Mỹ Tân còn cho rằng tổng số tiền hai công ty hỗ trợ cho gia đình nạn nhân là gần 350 triệu đồng chứ không chỉ là 186 triệu đồng như nguyên đơn trình bày.
Tòa sơ thẩm: Tai nạn do lỗi hỗn hợp
Xử sơ thẩm hồi tháng 3-2017, TAND quận Thủ Đức nhận định ông Tuấn chỉ là công nhân làm việc thời vụ tại Công ty Phong Châu nên về mặt pháp luật, các chế độ về bảo hiểm xã hội, y tế… đều không có. Công ty Nhà Việt Nam và Công ty Mỹ Tân không trực tiếp ký hợp đồng lao động, không trực tiếp sử dụng lao động với ông Tuấn nên không có trách nhiệm liên đới bồi thường. Ở đây chỉ có Công ty Phong Châu là phải có trách nhiệm.
Theo HĐXX, tai nạn xảy ra là do lỗi hỗn hợp, trong đó có phần lỗi của nạn nhân. Theo biên bản điều tra tai nạn lao động, ông Tuấn vi phạm nội quy an toàn lao động khi đứng trên dàn máy ép cọc, không kiểm tra vị trí làm việc đảm bảo an toàn, vô ý ngã vào đầu cọc khi dàn di động đang chuyển động lên, gây chấn thương dẫn đến tử vong. Phía bị đơn cũng đã tự nguyện hỗ trợ để khắc phục hậu quả. Theo các chứng từ, hóa đơn mà các bên xuất trình thể hiện bà Hạnh đã nhận 186 triệu đồng.
HĐXX cho rằng khoản 3 Điều 145 BLLĐ quy định “người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau: Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động chết do tai nạn lao động”.
Từ đó, HĐXX đã buộc Công ty Phong Châu phải có trách nhiệm bồi thường 1/2 khoản nêu trên, tương đương 15 tháng tiền lương với mức lương công nhân bình quân là 3,3 triệu đồng/tháng. Tổng cộng Công ty Phong Châu phải bồi thường cho bà Hạnh hơn 50 triệu đồng.
Vi phạm pháp luật lao động Theo biên bản điều tra tai nạn lao động, nguyên nhân vụ tai nạn lao động do: 1. Công nhân không được đào tạo nghề về điều khiển máy ép cọc vi phạm quy định về kỹ thuật an toàn trong xây dựng. 2. Không thực hiện xây dựng phương án thi công, trong đó có biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho người lao động. 3. Không định kỳ kiểm tra, tu sửa máy, thiết bị, nhà xưởng, kho hàng theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động… 4. Không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân dây đai an toàn cho người lao động khi làm việc trên máy ép cọc. 5. Không tổ chức thực hiện công tác giám sát chặt chẽ, kịp thời công trình đang thi công để phát hiện tình trạng không đảm bảo an toàn, không định kỳ kiểm tra và tự kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động. 6. Không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động. Sau vụ tai nạn, Công ty Phong Châu và Công ty Mỹ Tân đều bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động. |