Vị trí của người Mỹ gốc Á trong bầu cử tổng thống Mỹ
Trong một báo cáo gần đây, nhóm khảo sát mang tên Người Mỹ gốc Á thúc đẩy công lý cho Los Angeles cho biết số cử tri đăng ký trong thời gian bốn năm qua đã tăng nhanh tại bang California. Hiện có 1,8 triệu người Mỹ gốc Á đăng ký đi bỏ phiếu tại bang này, tăng thêm 150.000 cử tri.
Dan Ichinose, Giám đốc Dự án nghiên cứu nhân khẩu học thuộc nhóm khảo sát Người Mỹ gốc Á thúc đẩy công lý cho Los Angeles, nhận định hầu hết sự phát triển ở các khu vực nơi có người Mỹ gốc Á sinh sống là nhờ vào yếu tố nhập cư.
Bà Hillary Clinton trong một buổi vận động tranh cử ở bang California. Ảnh: LOS ANGELES TIMES
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, người Mỹ gốc Á chiếm hơn 25% số cử tri tại 25 khu vực lập pháp ở bang California. Ichinose cho biết người Mỹ gốc Á cũng chú trọng đến khả năng có được ảnh hưởng về mặt chính trị theo sau kết quả bầu cử.
Ba nhóm cử tri gốc Á tiêu biểu là người Mỹ gốc Việt, người Mỹ gốc Hoa và người Mỹ gốc Philippines. Thường quan điểm chính trị của ba cộng đồng này xuất phát từ lai lịch của họ.
Ichinose cho biết ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Á am hiểu về nền chính trị Mỹ. Tuy nhiên, cũng có nhiều người Mỹ gốc Á không đăng ký đi bỏ phiếu vì nhiều rào cản như ngôn ngữ, nghèo đói, không hiểu biết về quá trình bầu cử.
Người Mỹ gốc Việt có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ
Người Mỹ gốc Việt là một trong những cộng đồng tham gia nhiều nhất vào nền chính trị Mỹ. Nhiều trong số những người Việt Nam đến Mỹ để tị nạn có quan điểm ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng xu hướng này đã giảm đi trong những năm trở lại đây.
Le Khac Ly, một người Mỹ gốc Việt tại California, cho biết ông ủng hộ đảng Cộng hòa vì chính sách ngoại giao của đảng này. Như hầu hết người Việt vào thời đi tị nạn của mình, ông Le đã bầu cho đảng Cộng hòa trong mọi cuộc bầu cử tổng thống kể từ khi ông trở thành công dân Mỹ.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, ông Le và nhiều người Mỹ gốc Việt cùng thời ông vẫn đang đắn đo về việc sẽ bỏ phiếu cho ứng viên nào. Những người này nói rằng họ sẽ không bầu cho ứng viên mà họ thích nhiều nhất mà là cho ứng viên họ không thích ít nhất.
Ông Le nói: “Ông Trump chưa bao giờ suy nghĩ trước khi phát ngôn và ông thay đổi chính sách liên tục. Ông ấy muốn xây một bức tường giữa Mỹ và Mexico, và ông ấy bắt chính phủ Mexico phải chi trả cho việc xây dựng. Điều đó không thật, do đó những gì ông ấy nói chỉ là ảo tưởng”.
Một bảng chỉ dẫn bầu cử được đặt tại TP Los Angeles, bang California trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2012. Ảnh: GETTY
Trong khi đó về phần ứng viên đảng Dân chủ, ông Le cho biết bà Clinton sẽ nguy hiểm hơn ông Trump nếu bà trở thành tổng thống Mỹ. “Hillary Clinton với vai trò là ngoại trưởng, bà ấy phải biết phân biệt đâu là thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và thông tin nào được phép gửi qua email cá nhân. Nếu bà ấy không thể làm điều đó thì bà ấy không thể nào là một tổng thống được” - Le nói.
Một người Mỹ gốc Việt khác có tên Hugh Tra lại có quan điểm khác với thế hệ tuổi tác lớn như ông Le. Hugh Tra đam mê chính trị kể từ khi là học sinh cấp III. Anh cho biết anh là một người theo đảng Cộng hòa nhưng giờ lại có khuynh hướng ủng hộ đảng Dân chủ.
Lan Diep, một luật sư Mỹ gốc Việt 32 tuổi sinh ra ở bang Texas và có ghế trong Hội đồng TP San Jose, cho biết mặc dù anh là đảng viên Cộng hòa lâu năm nhưng anh sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton trong cuộc tổng tuyển cử năm nay.
“Tôi nghĩ rằng bà ấy vẫn có khuyết điểm nhưng khi so sánh với các ứng viên khác, bà rõ ràng là ứng viên duy nhất đủ tiêu chuẩn để trở thành tổng thống” - Fivethirtyeight dẫn lời anh Diep.
Theo ông Taeku Lee, GS khoa học chính trị và luật tại ĐH California Berkeley, cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong một thời gian dài là nhóm ủng hộ đảng Cộng hòa mạnh mẽ nhất trong các cử tri gốc Á nhưng kể từ năm 2008 xu hướng ủng hộ nghiêng về phía đảng Dân chủ. GS Taeku Lee lý giải nguyên nhân của sự thay đổi này là do khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng tăng.