1. Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đi xuống thang máy trong tháp Trump ở Manhattan, New York để tuyên bố ông tranh cử tổng thống 2016 hồi tháng 6-2015. Trong một bài phát biểu dài 45 phút, ông Trump đã vạch “đường đi nước bước” cho 500 ngày “chiến đấu” tiếp theo trên đường đua vào Nhà Trắng.
Trong bài phát biểu, ông trùm bất động sản tố cáo những kẻ yêu râu xanh ở Mexico, ông cam kết xây dựng bức tường biên giới ngăn dòng người tị nạn từ Mexico đổ vào Mỹ. Ông còn nêu quan điểm Mỹ nên chiếm lấy các mỏ dầu của Iraq trước khi rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trump chỉ trích luật về sức khỏe của chính quyền Obama, dọa giành lại việc làm từ Trung Quốc và các nơi khác, tẩy chay các giao dịch thương mại “ngu ngốc” và nhiều lĩnh vực khác.
Trump tuyên bố tranh cử tổng thống tại tháp Trump. Ảnh: NY TIMES
2. Trump không ủng hộ ai ngoài mình
Hồi tháng 8-2015, Trump đã gây “bàng hoàng” tại cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Cộng hòa. Ông là người duy nhất trong số 10 người có mặt tại đây giơ tay không cam kết ủng hộ cho người đại diện cuối cùng của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống.
“Tôi chỉ có thể cam kết điều đó nếu người trúng cử là tôi”.
3. Những email “chết tiệt”
Trong cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ hồi tháng 10-2015, bà Hillary Clinton đã được một “phen hú vía” khi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - từng là đối thủ cùng đảng đáng gờm của bà Clinton, “nhắc nhở” bà về việc sử dụng email cá nhân để giải quyết công vụ thời bà đương chức ngoại trưởng Mỹ.
“Người Mỹ phát ốm khi nghe thông tin về những email chết tiệt của bà” - ông Sanders nói.
Trong suốt khoảng thời gian sau đó, bà Clinton luôn bị “để mắt” đến vấn đề này. Đến tháng 6-2016, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey thông báo ông sẽ không truy tố bà về các cáo buộc trong vấn đề email. Tuy nhiên, FBI cảnh báo bà và các trợ lý của bà “cực kỳ bất cẩn” khi xử lý các thông tin tối mật.
Từ đó, vụ việc tưởng chừng đi vào quên lãng nhưng mới đây, chỉ 11 ngày trước khi diễn ra bầu cử chính thức, vấn đề bà Clinton sử dụng email lại bị “khui” trở lại khi FBI công bố hàng trăm ngàn email liên quan tới bà Clinton.
Tuy nhiên, trong ngày 7-11, FBI ra kết luận bất ngờ, quyết định không thay đổi kết luận hồi tháng 7: Không đề nghị truy tố bà Clinton về vụ bê bối email.
FBI vừa kết luận không truy bố bà Clinton vì các cáo buộc liên quan tới sử dụng email cá nhân. Ảnh: INDEPENDENT
4. Đem “của quý” ra tranh luận
Donald Trump luôn “gây sóng gió” trong các cuộc tranh luận của đảng Cộng hòa. Trong màn đấu khẩu cá nhân giữa Trump và Marco Rubio hồi tháng 3-2016, thượng nghị sĩ bang Florida nói rằng nếu có ai đáng bị công kích cá nhân thì đó là Trump, bởi ông ta chuyên đi công kích người khác. Đáp lại, Trump nói rằng Rubio đã nhắm tới bàn tay ông để công kích.
Nói đoạn, ông giơ hai bàn tay ra.
"Hãy nhìn đôi bàn tay này xem. Chúng có nhỏ không? Thế mà ông ta [Rubio] dám nói rằng nếu tay tôi nhỏ thì "cái gì đó" cũng phải nhỏ.
Tôi xin khẳng định luôn "cái gì đó" của tôi không có vấn đề gì hết. Tôi đảm bảo" - Trump tuyên bố hùng hồn và các cử tri Cộng hòa dự khán được một tràng cười có lẽ là dài nhất trong lịch sử các cuộc tranh luận.
Trump giơ hai bàn tay ra trong cuộc tranh luận đảng Cộng hòa. Ảnh: INDEPENDENT
5. Hillary Clinton chính thức đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử
Ngày đó, bà Clinton mặc màu trắng, màu đại diện cho người đàn bà đòi quyền đi bầu cử cho phụ nữ. Tháng 7-2016, bà Clinton đứng trước đám đông người ủng hộ thông báo bà chính thức là đại diện của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống.
“Tôi rất vui vì ngày hôm nay đã đến. Tôi vui giữa niềm vui của những người bà, người mẹ, những bé gái và mọi người. Bởi vì khi mọi rào cản bị phá vỡ ở Mỹ, đối với bất kỳ ai họ cũng đều mong muốn điều này" - cựu đệ nhất phu nhân Mỹ chia sẻ. Independent bình luận cuối cùng bà Clinton đã có thể đập tan “rào cản vô hình” từng vây lấy bà trong chiến dịch tranh cử năm 2008.
6. “Hậu phương” Trump và Clinton “giao chiến”
Tại một sự kiện gây quỹ trong tháng 9, bà Clinton từng lên tiếng mỉa mai đối thủ của mình rằng: “Một nửa số người ủng hộ Trump là thuộc nhóm Deplorabels (Deplorable có nghĩa là tệ hại, đáng trách, chỉ nhóm người có tư tưởng phân biệt chủng tộc, cực đoan, phân biệt giới tính, bài ngoại…)
Cựu ngoại trưởng đã chỉ trích tỉ phú Trump rằng ông đã gieo rắc vào đầu người dân Mỹ những sự thù hận, phân biệt qua những chiến dịch quảng cáo tranh cử của ông ta.
Ông Trump và bà Clinton trong tranh luận lần cuối. Ảnh: INDEPENDENT
Đáp trả lại lời mỉa mai này của bà Clinton, người quản lý chiến dịch của ông Donald Trump, ông Kellyanne Conway đã lên tiếng phản pháo trên mạng xã hội Twitter rằng: "Bà Clinton đã xúc phạm hàng triệu người Mỹ".
Không những thế, cố vấn truyền thông cao cấp Jason Miller của Donald Trump cũng lên tiếng để bảo vệ ông chủ của mình: "Bà Clinton đã phạm một sai lầm vô cùng nghiêm trọng trước mặt những nhà tài trợ của bà ta cũng như giới truyền thông".
Phía "hậu phương" của cựu ngoại trưởng cũng không chịu nhường nhịn phía ứng viên đảng Cộng hòa, phát ngôn viên của bà Clinton đã viết trên Twitter rằng: "Rõ ràng những người đứng đắn sẽ không ủng hộ Donald Trump, hơn phân nửa những người tôn sùng ông ta đều là những người có suy nghĩ lệch lạc và họ luôn xuất hiện trong mỗi buổi thuyết trình của Donald Trump để tạo nên một đám đông hỗn loạn".
7. Nghi vấn sức khỏe
Tại một lễ tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11-9 tại New York, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton bất ngờ ngã. Sau đó người ta mới phát hiện bà bị viêm phổi nhưng lại che giấu thông tin này.
Trump đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này và mở họp báo chỉ trích bà Clinton thiếu “sức chịu đựng” để làm tổng thống. Tuy nhiên, bà đáp trả rằng: “Tôi có thể đi đến 112 quốc gia và đàm phán thỏa thuận hòa bình, lệnh ngừng bắn, khai mở cơ hội cho các quốc gia trên toàn thế giới, hay thậm chí có thể đứng trước ủy ban Quốc hội 11 giờ đồng hồ liền, sao ông ấy có thể dám nói với tôi về sức chịu đựng”.
Bà Clinton được vệ sĩ hộ tống sau khi ngã khụy tại lễ tưởng niệm 11-9. Ảnh: THE SUN
8. Liên tiếp bị tố “bất nhã” với phụ nữ
Càng về sát ngày bầu cử chính thức 8-11, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump lại càng hứng thêm nhiều lời tố cáo liên quan tới các hành vi “không đứng đắn” với phụ nữ của ông. Một tài liệu từ tháng 10-2005 bị rò rỉ cho thấy ông Trump sàm sỡ phụ nữ và cưỡng hôn họ. Ông còn bị tố “ve vãn” một bé gái 10 tuổi. Mới đây ngày 28-10, cựu hoa hậu Phần Lan Ninni Laaksonen trở thành người phụ nữ thứ 12 tố ông Trump quấy rối tình dục.
Ông Trump liên tục “dính phốt”, các nhà chính trị ở cả hai đảng đã phải “than ngắn thở dài” và yêu cầu ông rút lui khỏi cuộc đua.
9. Bới móc đời tư đối thủ
Ông Trump từng dọa sẽ đem bê bối ngoại tình trong quá khứ của chồng bà Hillary, cựu Tổng thống Bill Clinton, ra trong cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai.
“Bill Clinton lạm dụng phụ nữ. Hillary Clinton cũng tấn công phụ nữ và chủ ý tấn công họ”.
Trump từng dọa đem bê bối ngoại tình của cựu Tổng thống Bill Clinton ra cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai. Ảnh: INDEPENDENT
10. Không chấp nhận kết quả bầu cử nếu thua cuộc
Trong đợt tranh luận cuối cùng với bà Hillary Clinton, ông Donald Trump đã được người dẫn chương trình Chris Wallace đặt câu hỏi liệu ông sẽ ủng hộ bà Clinton nếu thua cuộc hay không. “Đến lúc đó thì tôi sẽ xem xét. Tôi sẽ để bạn chờ đợi”.
Nhiều người lo ngại khả năng ông Trump phá vỡ truyền thống chuyển giao quyền lực trong ổn định và hòa bình của nước Mỹ.