Ngày 4-11 (giờ địa phương), tức còn bốn ngày nữa đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton chiếm ưu thế. Dù vậy tỉ lệ cách biệt giữa bà Clinton với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump không nhiều. Tình hình này cho thấy cuộc đấu giữa hai ứng cử viên vào giờ chót căng thẳng đến mức cử tri Mỹ cảm thấy mệt mỏi.
Hai ứng cử viên đều thất nhân tâm
Theo thăm dò của báo New York Times công bố ngày 4-11, có đến 82% số cử tri được hỏi cho biết cảm thấy chán chường với cuộc đối đầu thái quá trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay (kéo dài hơn 500 ngày). Chỉ có 13% tuyên bố hồ hởi, phấn khởi với cuộc bầu cử này.
Giải thích nguyên nhân, 60% cho rằng vì ông Trump là người thất nhân tâm và 53% suy nghĩ như thế đối với bà Clinton. Trong các cử tri đảng Cộng hòa, có đến 41% nghĩ rằng ông Trump là nhân vật không tốt cho đảng.
Trang Politico nhận định trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chủ đề được nói đến nhiều nhất không phải là định hướng chính trị của hai ứng cử viên mà là nhân cách của hai ứng cử viên. Điều đầu tiên phe này chú ý là tấn công vào nhân cách của đối thủ ở phe kia. Chính vì vậy không có gì lạ khi vào giờ chót, chiến dịch vận động tranh cử mang nhiều yếu tố tiêu cực hơn.
Bà Clinton cảm thấy ông Trump đang bám theo sát nút nên đã tập trung vào luận điểm: Ông Trump không đủ tư cách vào Nhà Trắng. Nhân vật ủng hộ luận điểm của bà mạnh mẽ nhất chính là Tổng thống Obama. Vận động cho bà Clinton, ông Obama hô hào: “Điều này không có gì tranh cãi nữa. Làm sao con người này có thể đại diện cho các bạn… Chúng ta đừng nên nghĩ thái độ ứng cử của ông ấy là bình thường”.
Về phần Donald Trump, từ sau khi Giám đốc FBI James Comey thông báo mở lại cuộc điều tra về chuyện bà Clinton sử dụng hộp thư điện tử riêng trong thời gian làm ngoại trưởng, ông liên tục chỉ trích bà Clinton là người “biến chất”, người không đáng tin cậy để vào Nhà Trắng.
Ông Rudy Giuliani, cựu Thị trưởng New York, đồng minh của Trump, nói chắc như đinh đóng cột: “Tôi bảo đảm với các bạn trong vòng một năm bà ấy sẽ bị phế truất và bị truy tố. Chúng ta sắp bỏ phiếu cho một vụ chẳng khác gì vụ nghe lén Watergate”.
Ông Trump đang tìm cách đuổi theo bà Clinton trong những ngày cuối vận động tranh cử. Biếm họa của TOM JANSSEN (báo The Netherlands)
Nếu đắc cử, Trump sẽ phải ra tòa
Thật ra cho dù đắc cử hay không đắc cử tổng thống, ông Trump chắc chắn sẽ đối mặt với pháp luật. Một số vụ cụ thể như sau:
• Đại học của Trump: Giữa những năm 2000, Trump mở trường đại học để giảng dạy các bí quyết thành công trong kinh doanh. Trường đại học do Trump làm giám đốc đóng cửa vào năm 2010 nhưng hiện nay nhiều sinh viên đi kiện nhà trường về hành vi lừa đảo và đòi trả lại học phí (35.000 USD/người).
Tỉ phú Donald Trump khẳng định đã nhận hơn 10.000 phiếu đánh giá của sinh viên, trong đó 97% cho điểm nhà trường từ 4,85 trở lên trong bậc thang 1-5 điểm. Thế nhưng nhiều cựu sinh viên khẳng định bị ép trả lời phiếu đánh giá để nhận bằng tốt nghiệp.
Ngày 28-11, ông Trump sẽ phải ra làm chứng trong phiên tòa ở San Diego (bang California). Một nhóm khác kiện ở tòa New York nhưng tòa chưa xác định ngày xét xử.
• Quỹ Trump: Ngày 13-9, công tố viên trưởng Eric Schneiderman ở bang New York thông báo mở cuộc điều tra về quỹ của Trump vì tình nghi hoạt động bất thường. Từ năm 2008, Trump không đóng góp cho quỹ này nữa.
Báo Washington Post đưa tin năm 2013 quỹ đã chi 25.000 USD cho chiến dịch vận động bầu lại công tố viên trưởng Pam Bondi của bang Florida. Đây là hành vi trái phép vì quỹ từ thiện không được chi cho hoạt động chính trị. Điều trùng hợp là Pam Bondi là người quyết định không truy tố trong vụ đại học của Trump.
• Hiếp dâm người chưa thành niên: Ngày 13-12, thẩm phán ở bang New York sẽ gặp Trump trước khi Trump ra làm chứng có tuyên thệ trong phiên tòa vụ một phụ nữ kiện ông hiếp dâm bà năm bà 13 tuổi trong một buổi tiệc do doanh nhân Jeffrey Epstein tổ chức năm 1994.
Trong vụ này có hai nhân chứng, trong đó có một phụ nữ làm việc cho Epstein là người tổ chức tiệc. Nhân chứng khẳng định đã nhìn thấy Epstein và Donald Trump hiếp dâm nạn nhân. Năm 2008, Epstein đã bị kết án trong một vụ mại dâm trẻ vị thành niên.
- 37 bang đã tổ chức bầu cử sớm: Đến nay đã có 37/50 bang ở Mỹ tổ chức bầu cử sớm. Phần lớn các bang này cho phép cử tri đi bầu trực tiếp tại phòng phiếu hoặc gửi thư. Ngược lại, một số bang chỉ cho bỏ phiếu qua đường thư tín đối với cử tri chứng minh họ không thể di chuyển trong ngày 8-11. Ngày ấn định bầu cử sớm tùy thuộc từng bang. Phần lớn chọn thời điểm 22 ngày trước ngày bầu cử. Một số bang chọn 45 ngày trước ngày bầu cử. Bang Oklahoma quy định ngày bầu cử sớm từ ngày 3 đến 5-11. Phiếu bầu sớm chỉ được kiểm vào ngày 8-11. Trong mùa bầu cử năm 2012, đã có 1/3 số phiếu bầu (hơn 46 triệu cử tri) được bỏ phiếu trước. - Nhiều cuộc bầu cử trong ngày 8-11: Ngày 8-11, trong cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống, cử tri dùng phiếu phổ thông để chọn đại cử tri. Đến ngày 19-12, các đại cử tri mới bầu trực tiếp tổng thống và phó tổng thống. Ứng cử viên đạt tối thiểu 270/538 đại cử tri sẽ đắc cử. Ngoài ra, các cử tri cũng sẽ bầu trực tiếp 435 nghị sĩ Hạ viện với nhiệm kỳ hai năm và 34 nghị sĩ Thượng viện (1/3 trong 100 nghị sĩ) với nhiệm kỳ sáu năm. 10 bang sẽ bầu chọn thống đốc mới với nhiệm kỳ bốn năm gồm Delaware, Indiana, Missouri, Montana, Bắc Carolina, Bắc Dakota, Oregon, Utah, Washington, Tây Virginia. Hai bang bầu thống đốc mới với nhiệm kỳ hai năm gồm New Hampshire và Vermont. Ở cấp địa phương, các cử tri cũng sẽ bầu nhiều chức danh như thị trưởng, ủy viên hội đồng TP, thẩm phán, cảnh sát trưởng. Ngoài ra, một số bang đã đưa ra trưng cầu ý dân 157 dự luật. |