Người nhà không biết ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu

Trưa 10-9, sau nhiều lần cố gắng liên lạc, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ được với người nhà của ông Trịnh Xuân Thanh (Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).

Trao đổi trực tiếp tại căn biệt thự ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội), nơi gia đình ông Thanh đang sinh sống, một người thân của ông Thanh cho biết ông Thanh đã vắng nhà nhiều ngày nay, hiện gia đình cũng không rõ ông đang ở đâu.

“Cách đây mấy ngày, anh ấy nói vào Hậu Giang công tác nhưng từ đó đến nay chưa thấy về. Hiện tại gia đình cũng không biết anh ấy đang ở đâu” -người này thông tin.

Tương tự, một số bảo vệ tại khu đô thị này khi được hỏi cũng đều cho biết đã lâu không thấy ông Thanh về nhà.

Cũng trong ngày hôm nay (10-9), một số thông tin cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh hiện đã xuất cảnh ra nước ngoài. Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Tổng cục An ninh, Bộ Công an) cho hay chưa nắm được thông tin này. Hơn thế, việc ông Thanh có xuất cảnh hay không là thuộc thẩm quyền của Cục An ninh cửa khẩu.

PV tiếp tục liên hệ với Thiếu tướng Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh cửa khẩu (Tổng cục An ninh, Bộ Công an) để tìm hiểu thông tin trên. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ qua điện thoại, Thiếu tướng Dũng vẫn chưa bắt máy.

Ông Trịnh Xuân Thanh đã vắng nhà (màu vàng) nhiều ngày nay sau khi nói với gia đình vào Hậu Giang công tác. Ảnh: TUYẾN PHAN

Trước đó, ngày 8-9, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh. Ban Bí thư biểu quyết bằng phiếu kín, với 100% phiếu đồng ý kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Trịnh Xuân Thanh.

Trong một diễn biến khác, sáng 10-9, trao đổi với báo chí, Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết đã cử cán bộ ra nhà riêng của ông Thanh tại Hà Nội để tìm nhưng vẫn không gặp được. Trước đó, ngày 9-9, Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết đã có công văn triệu tập gửi đến nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh để giải trình các vấn đề liên quan đến bản thân ông Thanh do đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương đặt ra, đồng thời có nguyện vọng xin ra khỏi Đảng. Thời hạn mà Tỉnh ủy yêu cầu ông Thanh phải có mặt tại Hậu Giang là 13-9-2016.

Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại cuộc họp xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh nêu, trong thời gian từ năm 2007 đến 2013, trên các cương vị là phó bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ nhưng ông Trịnh Xuân Thanh cùng ban lãnh đạo PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013). Nhiều tổ chức, cá nhân trong PVC bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Mặc dù vậy, trong kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của mình.

Khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Thanh dùng biển số xe công gắn vào ô tô tư nhân để sử dụng là trái quy định của pháp luật, gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm này là thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Ban Bí thư kết luận ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC. Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí đã đánh giá ông Thanh không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT tổng công ty; không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển (theo Kết luận số 146 của Bộ Chính trị). Việc ông Thanh vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới