Người phơi bày những sự thật đen tối ra ánh sáng

Suốt cuộc đời làm báo lẫy lừng hơn 50 năm qua, ngòi bút của Hersh đã nhiều lần đưa những sự kiện động trời vốn bị ém nhẹm trong bóng tối ra trước ánh sáng sự thật của nhân loại. Đó là chiến dịch tấn công Iraq, cảnh lính Mỹ tra tấn tù nhân trong nhà tù Abu Ghraib hay âm mưu của Mỹ tấn công Iran, ... Hơn chục giải thưởng báo chí danh giá như Giải Pulitzer, Giải George Polk... đã tôn vinh con người và sự nghiệp Seymour Hersh đồng thời thể hiện sự ngưỡng mộ của thế giới đối với nhà báo xuất sắc này.

Tuy nhiên, trong sự ngưỡng mộ của người dân Việt Nam dành cho ông  còn có một lý do đặc biệt hơn nữa, bởi vì nhờ Hersh mà "Vụ thảm sát Mỹ Lai" kinh hoàng năm 1968 của quân đội Mỹ tại Việt Nam mới được cả thế giới biết đến và phẫn nộ lên án...

KỲ 1: BÀI BÁO CHẤN ĐỘNG ĐẦU TIÊN - VỤ THẢM SÁT MỸ LAI

Hersh, tên đầy đủ là  Seymour Myron Hersh, sinh ngày 8/4/1937 tại Chicago, bang Illinois trong một gia đình người Do Thái di cư. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Chicago, năm 1959 ông bắt đầu nghề làm báo với tư cách là phóng viên Phòng tin tức Chicago chuyên làm nhiệm vụ đưa tin về hoạt động của lực lượng cảnh sát thành phố này cho tờ City News Beureau.

Người phơi bày những sự thật đen tối ra ánh sáng ảnh 1

Nhà báo Seymour Hersh - người đã đưa vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng

Ở cương vị này, Hersh đã tỏ ra là một cây bút rất nhanh nhạy, sắc bén và đầy triển vọng, điều này ngay lập tức lọt vào "mắt xanh" của những nhà tuyển dụng Hãng Thông tấn UPI (United Press International) danh tiếng. Chẳng bao lâu sau, UPI đã quyết định chào đón Hersh về làm phóng viên thường trú của hãng này tại Nam Dakota.

Năm 1963 có lẽ là thời điểm bước ngoặt của Seymour Hersh khi ông chuyển sang làm cho Hãng Thông tấn AP(Associated Press), thường trú tại Chicago và Washington. Thời gian làm việc tại Washington, Hersh kết thân với nhà văn, nhà báo nổi tiếng IF Stone (Isidor Feinstein Stone), người đã  ảnh hưởng rất lớn đến phong cách và sự nghiệp của  nhà báo Seymour Hersh sau này. Cũng chính thời gian này, Hersh  thường xuyên tham gia những cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, phỏng vấn các sĩ quan cao cấp của Mỹ tham chiến tại Việt Nam và định hình phong cách của mình trên lĩnh vực điều tra

Tuy nhiên, những bài viết sắc sảo nhưng đầy gai góc của Seymour Hersh thời kỳ tại AP đem lại cho ông cả sự ngưỡng mộ lẫn sự phiền toái. Khi AP từ chối đăng tải những bài phóng sự về vũ khí sinh học và hóa học do Chính phủ Mỹ thực hiện,  Hersh đã phải gửi các bài viết của mình cho Hãng The New Republic. Cũng từ đây, ông quyết định rời khỏi AP. Tiếp đó trong suốt năm 1968,  người ta thấy Seymour Hersh đã phục vụ với tư cách thư ký báo chí cho Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông này.

Sau khi kết thúc chiến dịch tranh cử trên, Seymour Hersh trở thành nhà báo tự do. Lúc này ông dành toàn bộ thời gian của mình gặp gỡ, phỏng vấn những cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam để hoàn tất cho những phóng sự điều tra độc lập của mình. Kết quả, loạt bài phóng sự điều tra của Seymour Hersh đã gây tiếng vang lớn và giúp dư luận hiểu sâu sắc cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam.

Đặc biệt trong đó, bài viết về vụ tàn sát Mỹ Lai kinh hoàng do quân đội Mỹ thực hiện năm 1968 được Hãng Disparch News Service đăng tải đã như một quả "bom tấn" làm xôn xao nước Mỹ cũng như cả thế giới. Sự xuất hiện của bài báo đã thổi bùng làn sóng phản đối chiến tranh ngày một thêm lan rộng, tạo một sức ép đòi người Mỹ phải rút quân vô điều kiện khỏi Việt Nam.

Câu chuyện kinh hoàng từ Sơn Mỹ

Buổi sáng 16/3/1968, một đại đội lính Mỹ có tên "Đại đội Charlie" được phái đến một địa phận nhỏ bé có cái tên rất đẹp: thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mệnh lệnh bí mật họ mang theo thật tàn khốc: "Bắn vào bất cứ thứ gì động đậy!".

Đó là đại đội lính thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 20, Sư đoàn Bộ binh 23 của quân đội Mỹ đến Việt Nam năm 1967. Từ khi có mặt, hầu như họ chưa tham chiến lần nào trên chiến trường Việt Nam. Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, thông tin tình báo của Mỹ cho rằng, Tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đang trú ẩn ở làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Bởi vậy, quân đội Mỹ ra lệnh tấn công vào các ngôi làng và binh lính Mỹ có nhiệm vụ "tìm và diệt", đốt nhà cửa, giết vật nuôi, hủy hoại lương thực thực phẩm và có thể đầu độc cả các nguồn nước...

Người phơi bày những sự thật đen tối ra ánh sáng ảnh 2

Phi công trực thăng Hugh Thom son - người đã cứu được một số người dân làng Sơn Mỹ thoát chết

Buổi sáng hôm ấy, Đại đội Charlie tiến vào Mỹ Lai gồm có Trung đội 1 mở đường, hai trung đội khác bao vây hai bên sườn, sau khi đã nã một loạt pháo và đạn dội xuống từ trực thăng. Không hề có một người lính "Việt Cộng" nào trong làng. Lính Mỹ bắt đầu bắn giết bừa bãi các dân thường, gồm trẻ em, phụ nữ và những người già. Khi các thường dân đầu tiên ngã xuống, chúng nã súng vào bất cứ thứ gì chuyển động.

Sau này theo như BBC mô tả thì "Những tên lính dường như phát điên, bắn hạ tất cả những người không mang vũ khí, kể cả trẻ sơ sinh. Những gia đình ẩn nấp trong các ngôi nhà lá hoặc các căn hầm mong được yên thân cũng không được tha. Những người đã giơ tay hàng cũng không thoát khỏi cảnh bị bắn giết... Khắp trong làng, những cảnh bắn giết dã man diễn ra. Phụ nữ bị hãm hiếp tập thể, những người khác bị đánh đập, tra tấn, đập báng súng vào đầu rồi bị đâm bằng lưỡi lê". Sau đó, hàng chục thi thể nạn nhân đã bị những tên lính đẩy xuống một cái mương. Có những cái xác còn bị khắc chữ C - chữ đầu tiên của tên đại đội lính Mỹ - lên ngực.

Phi công trực thăng Hugh Thompson khi đó 24 tuổi, thuộc phi đội thám không, đã tận mắt chứng kiến hàng trăm người dân chết hoặc hấp hối khi bay qua làng. Từ trên cao, viên phi công lái trực thăng phía trên bầu trời làng Mỹ Lai khi đó đã hoảng hốt: "Trông chẳng khác nào một bể máu dưới kia? Cái quái gì đang diễn ra thế?". Hugh và phi đội phát hiện thấy một phụ nữ không vũ khí đang rũ xuống nhưng vẫn bị đá tới tấp vào người rồi bị bắn. Họ lập tức liên lạc bằng radio để tìm kiếm sự trợ giúp cho những người bị thương.

Chiếc trực thăng của Hugh được hạ cánh khẩn cấp bên một con mương, nơi đó đầy những thi thể nằm la liệt và cả những người bị thương đang còn cử động. Thompson yêu cầu một người lính ở đó giúp đỡ họ nhưng sau khi trả lời: "sẽ giúp họ thoát khỏi nỗi khốn khổ" thì gã lính này quay súng tiếp tục nã đạn vào mương. Ngay khi đó, phi đội bay thấy một nhóm thường dân Việt Nam gồm chỉ toàn trẻ con, phụ nữ và ông già nấp trong một căn hầm trong khi lính bộ binh Mỹ vẫn đang tiếp cận. Hugh tuyên bố nếu toán lính bắn vào dân, anh sẽ giúp họ thoát khỏi nơi này. Cuối cùng, chừng 12-16 người trong hầm được đưa lên trực thăng thoát khỏi vụ thảm sát.

Người phơi bày những sự thật đen tối ra ánh sáng ảnh 3

Những xác chết chất chồng trên đường làng qua ống kính nhiếp ảnh của Ron Haeberle

Nhưng đó chỉ là một số rất ít người may mắn sống sót nhờ hành động can đảm và nhân tính của Hugh. Sự thật kinh hoàng là binh lính của Đại đội Charlie hôm ấy đã xả súng giết cơ man là đàn ông già cả, đàn bà, trẻ con, cả những súc vật nuôi trong làng... Máu và xác người trùm lên cả ngôi làng, những thi thể phụ nữ phơi trên đất nhưng vẫn còn hằn dấu vết bị làm nhục. Có tất cả 504 thường dân yếu ớt, không vũ khí thiệt mạng. Và không hề một ai trong số lính Mỹ bị bắn từ những người nông dân hiền lành tội nghiệp bị quy là "Việt Cộng" kia.

Sự thật được đưa ra ánh sáng

Cuộc thảm sát kinh hoàng tại Sơn Mỹ trong hơn một năm trời đã bị ém nhẹm. Những báo cáo đầu tiên của các đơn vị lính Mỹ đã đưa ra con số người chết thấp hơn nhiều so với sự thật: "128 Việt Cộng và 22 dân thường" bị giết tại làng sau "cuộc đọ súng ác liệt". Tạp chí Stars and Stripes của Lục quân Hoa Kỳ vào thời điểm đó thì đưa tin "Bộ binh Hoa Kỳ đã giết 128 Cộng sản sau một trận đánh đẫm máu kéo dài 1 ngày".

Tuy nhiên đã có một vài nguồn tin rò rỉ từ chính các binh lính Mỹ về việc Sư đoàn Bộ binh số 23 (và các đơn vị lính Mỹ khác) liên tục sử dụng bạo lực chống lại dân thường Việt Nam. Cuộc điều tra đầu tiên về chiến dịch Mỹ Lai được Thiếu tướng George H. Young giao cho Đại tá Henderson, sĩ quan chỉ huy của Lữ đoàn Bộ binh nhẹ số 11 phụ trách và một trong những tài liệu căn cứ là bức thư của một lính Mỹ tố cáo vụ việc này. Được giao phân tích lá thư tố cáo này có cả Colin Powell, người sau này là Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Trong báo cáo phân tích, Powell đã nhận định: "Sự thật, quan hệ giữa binh sĩ Hoa Kỳ và người dân Việt Nam là tuyệt vời". Những nhà quan sát cho rằng, cách mà Powell xử lý những nguồn tin tố cáo đó đồng nghĩa với việc gột sạch sự tàn bạo của quân đội Hoa Kỳ ở Mỹ Lai. Vụ thảm sát Mỹ Lai có lẽ đã tiếp tục bị che giấu nếu không có một bức thư nữa của Ron Ridenhour, một thành viên cũ của chính Đại đội Charlie biết rất nhiều thông tin qua lời kể của đồng đội.

Tháng 3/1969, Ron đã gửi một lá thư trình bày chi tiết sự kiện Mỹ Lai cho Tổng thống Richard Nixon, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao,... và một số thành viên của Quốc hội. Tuy nhiên, hầu hết những người được nhận thư đã cố tình che giấu và ém nhẹm vụ việc.

Độc lập với chính phủ, nhà báo Seymour Hersh đã tiến hành cuộc điều tra về vụ Mỹ Lai thông qua các cuộc nói chuyện với các binh lính của Sư đoàn 23, đặc biệt chính là Đại đội trưởng Calley. Seymour Hersh đã tiến hành cuộc điều tra thông qua các cuộc phỏng vấn với nạn nhân sống sót lẫn những người trực tiếp thi hành công việc. "Vụ thảm sát Mỹ Lai" chính thức được tung ra dư luận vào ngày 12/11/1969, mô tả cuộc thảm sát đẫm máu, trong đó hàng trăm thường dân người Việt Nam không vũ trang bị binh sĩ Mỹ giết chết dã man.

Những bài tường thuật của Seymour Hersh được minh họa bằng những bức hình ghê rợn mà nhà nhiếp ảnh Ron Haeberle, một người đã tham dự vào chiến dịch với tư cách là phóng viên quân đội chính thức, chụp được. Thực chất Ron được giao chụp những bức ảnh này nhằm cung cấp chứng cứ cho cái được gọi là "đếm xác" (body count) của thống kê quân sự nhưng cuối cùng, chúng đã xuất hiện trên mặt báo để minh chứng cho tội ác không gì chối cãi của đế quốc Mỹ.

Tháng 11/1969, đồng loạt 36 tạp chí của nước Mỹ và toàn thế giới gồm cả những tạp chí danh tiếng Time, Life và Newsweek,... đều đưa vụ Mỹ Lai lên trang nhất. Khi đó, phong trào phản chiến đã lên cao ở ngay trong lòng nước Mỹ và cả các nước trên thế giới. Với loài người trên khắp 5 châu đủ mọi màu da, sắc tộc, vụ thảm sát Mỹ Lai là một vết nhơ của nước Mỹ: "Nước Mỹ và người Mỹ không thể không gánh nặng cảm giác tội lỗi và sự day dứt của lương tâm trước những gì diễn ra ở Mỹ Lai", tờ Time bình luận khi vụ việc lần đầu được đưa ra ánh sáng.

Cuối năm 1969, hàng triệu người Mỹ đã tổ chức những cuộc tuần hành lớn để phản đối chiến tranh. Phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và lan rộng khắp nước Mỹ và thế giới đòi quân đội Mỹ phải rút ngay khỏi miền Nam Việt Nam. Nhiều thanh niên Mỹ có thêm lý do để phản đối việc đăng lính, những người vốn có tư tưởng phản chiến được tiếp thêm sức mạnh, những người đang lưỡng lự ngả hẳn sang phe phản chiến... và cả thế giới phải nghiêm túc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Còn nhà báo Seymour Hersh đã xứng đáng lên bục danh dự nhận Giải thưởng Pulitzer về thể loại Tường thuật quốc tế năm 1970. Cũng từ đây, cái tên Seymour Hersh đã chính thức vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ.

(Còn nữa)

Theo Ngọc Mai (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm