Sau sự kiện Mỹ Lai ở Việt Nam của quân đội Mỹ bị phanh phui, liên tiếp những bê bối và âm mưu đen tối của quân đội và chính quyền Mỹ cũng như các nước khác đã bị Hersh lôi ra ánh sáng.
Hơn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp báo chí, hàng loạt phóng sự điều tra của Seymour Hersh không biết bao lần làm điên đầu những nhà cầm quyền Mỹ. Đặc biệt năm 2004, Hersh làm cả thế giới một lần nữa lại phải rùng mình khi chứng kiến lính Mỹ tra tấn tù binh Iraq tại nhà tù Abu Ghraib.
Seymour Hersh - nhà báo luôn làm điên đầu giới chức Mỹ
Loạt 3 bài phóng sự điều tra của Seymour Hersh trên tạp chí "Người New York" mô tả chi tiết cùng những bức ảnh ghê rợn cảnh những tù nhân bị tra tấn dã man trong nhà tù này một lần nữa khiến Hersh trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý và phản ứng trái ngược của chính giới cũng như công luận. Cũng như với sự kiện vụ thảm sát ở Mỹ Lai, Hersh xứng đáng với sự khen ngợi vì lòng dũng cảm về đạo đức nghề nghiệp bởi trong khi các nhà báo khác lảng tránh sự thật thì Hersh dám chấp nhận đối mặt với những bí mật đen tối nhất và nguy cơ phải đối đầu với chính quyền.
Kinh hoàng từ nhà tù Abu Ghraib
Nằm cách thủ đô Baghdad, Iraq khoảng 32 km về phía tây, Abu Ghraib từng được coi là một trong những nhà tù "khét tiếng" nhất thế giới.
Được xây dựng vào những năm 1960, Abu Ghraib có 5 khu giam giữ tách biệt, mỗi khu có tháp canh và tường cao bao quanh. Khu giam giữ tù nhân chính trị tại Abu Ghraib được phân chia thành 2 phần: khu "mở" và khu "đóng". Những phòng tại khu "đóng" được dùng để giam giữ tù nhân dòng Shiite và tại đây không cho phép người nhà tù nhân vào thăm. Trong khi đó khu "mở" giam giữ các tù nhân kể cả bị tình nghi và thực sự phạm tội. Đã có thời gian người ta tống khoảng 50.000 tù nhân cả đàn ông và phụ nữ vào nhà tù này, giam giữ họ trong những gian phòng chỉ rộng khoảng 3,5m2. Thời kỳ Saddam Husein, quản lý nhà tù Abu Ghraib là Saddam Kamal cũng là người đứng đầu Cơ quan an ninh đặc biệt Iraq, từng ra lệnh tra tấn và hành quyết nhiều tù chính trị.
Sau khi chế độ Saddam sụp đổ, khu nhà tù rộng lớn này bị bỏ hoang. Những gì có thể tháo dỡ được tại đây như cửa ra vào, cửa sổ và kể cả gạch đều bị người ta mang đi. Liên quân do Mỹ lãnh đạo đã cho sửa chữa và dọn dẹp tất cả các phòng giam, toilet, vòi tắm và xây thêm một khu y tế mới tại nhà tù. Abu Ghraib đã thực sự trở thành một nhà tù của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các phạm nhân tại đây đều là dân thường, thậm chí nhiều người trong số họ bị bắt trong những đợt càn quét "chớp nhoáng" của quân đội và cảnh sát. Tù nhân tại Abu Ghraib chia thành 3 nhóm: tội phạm thông thường; nghi phạm gây ra các vụ tấn công nhằm vào liên quân; và một số ít các phần tử "lãnh đạo" lực lượng nổi dậy.
Trên thực tế, rất nhiều trong số hơn 4.000 tù nhân bị giam giữ tại nhà tù Abu Ghraib là những người vô tội. Họ bị bắt giữ mà không hề được xét xử, và một số có thể được trả tự do trong vòng 3 tháng kèm theo chút tiền tiêu tạm khi ra tù. Còn lại nhiều người khác bị buộc tội nổi dậy thì sẽ bị giam giữ lâu hơn. Những người này phải trải qua quá trình thẩm vấn, tra tấn và thậm chí bị làm nhục.
Theo Hashem Muhsen, một tù nhân Arập từng bị bắt giữ kể lại thì: "Họ bắt chúng tôi bò xung quanh sàn nhà, trên người không một mảnh vải và cưỡi lên lưng chúng tôi như thể chúng tôi là lừa". Chính Muhsen là một trong những tù nhân bị buộc phải cởi quần áo và tham gia nhóm xếp hình Kim tự tháp trong bức ảnh đã được chương trình CBS 60\' công bố. Đó không phải là sự lạm dụng mà là tra tấn! Những người bị tình nghi bị lột trần truồng, nằm lăn lóc trên nền nhà ướt át, với đôi tay bị còng, và những tên thẩm vấn liên tiếp đá tới tấp vào bụng họ.
Những cảnh lính Mỹ tra tấn dã man tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib được công bố năm 2003
Sau này, trong báo cáo của Thiếu tướng Antonio Taguba về sai phạm ở nhà tù Abu Ghraib đã phải thừa nhận lính Mỹ đã dùng những biện pháp tra tấn ghê rợn như: dùng súng đã lên đạn đe dọa tù nhân; dùng nước lạnh đổ lên người tù nhân không mảnh vải che thân; dùng chổi và ghế đánh tù nhân; đe dọa cưỡng hiếp tù nhân nam; ép buộc tù nhân thực hiện các tư thế sinh hoạt tình dục để chụp ảnh; bắt tù nhân trần truồng nằm chất đống và giẫm đạp lên…
Nước Mỹ đối mặt với sự thật
Khi những thông tin và hình ảnh kinh hoàng từ nhà tù Abu Ghraib phổ biến khắp các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên truyền hình thì làn sóng phẫn nộ của công chúng cũng bùng lên mạnh mẽ, đặc biệt là tại Iraq. Những gia đình có thân nhân bị cầm tù vô cùng lo lắng về số phận của con em họ. Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm yêu cầu quân đội Mỹ trả tự do cho các tù nhân.
Sự phẫn nộ của dư luận đã khiến giới chức Mỹ cuống cuồng biện minh. Đổ lỗi cho cấp dưới và cho rằng đó chỉ là vài "con sâu làm rầu nồi canh", nhà cầm quyền Mỹ muốn lấp liếm và xoa dịu bớt dư luận. Lý do mà họ đưa ra đầu tiên là lượng tù nhân ở Abu Ghraib "quá tải" trong khi số lượng quản giáo thuộc Lữ đoàn Quân cảnh không đủ so với "nhu cầu" và "chính sự thiếu cân bằng này đã dẫn tới điều kiện sống kém chất lượng, những vụ trốn tù và thiếu trách nhiệm giải trình".
Tuy nhiên, Hersh khẳng định đây là kết quả của một quyết định về chương trình thẩm vấn lấy cung đặc biệt bí mật được CIA tiến hành tại các nhà tù ở Afghanistan và Guantanamo, và đã được áp dụng ở Iraq với sự đồng ý trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld. Đương nhiên, Lầu Năm Góc đã bác bỏ cáo buộc trên và tuyên bố điều đó hoàn toàn kỳ quặc, không đúng sự thực và không đủ chứng cứ. Nhưng cho dù thế nào, chuyện lính Mỹ ngược đãi tù nhân tại nhà tù này là không thể phủ nhận. Thủ phạm trực tiếp của vụ việc đã bị đưa ra trước vành móng ngựa và lĩnh án tù.
"Vạch trần" và "Tố cáo"
Giữa khoảng thời gian từ "sự kiện Mỹ Lai" đến khi vạch trần việc lính Mỹ tra tấn tù nhân ở Abu Ghraib là hàng loạt những phát hiện quan trọng của phóng viên điều tra kỳ cựu Seymour Hersh. Năm 1972, Hersh là một trong những người chỉ trích Chính quyền Nixon gay gắt nhất về việc chính phủ Mỹ ủng hộ cuộc đảo chính của Pinochet ở Chile cũng như việc sử dụng CIA để bí mật theo dõi kẻ thù của kẻ độc tài.
Cuốn “The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House” (Cái giá của quyền lực - Kissinger trong Nhà Trắng của Nixon) xuất bản năm 1983 đã được giới phê bình sách quốc gia trao giải thưởng và người ta cho rằng, nếu khi nào đó Henry Kissinger bị truy tố là tội phạm chiến tranh, thì dự thảo của bản cáo trạng sẽ là bản tóm tắt cuốn sách này.
Không chỉ dừng trong phạm vi nước Mỹ, Hersh còn sục sạo tới bất kỳ sự kiện nào, ở bất cứ đâu mà ông phát hiện được có dấu hiệu của mờ ám. Chính Hersh là người mang đến sự thật về vụ đắm tàu ngầm K-129 của Liên Xô ở Thái Bình Dương, hay sự kiện không quân Mỹ phá hủy nhà máy dược phẩm Al-Shifa của Sudan,… Tất cả những bí mật đã bị bóc trần lộ ra những âm mưu đen tối đằng sau chúng.
Bài phóng sự ngày 17/3/2003 của Hersh lật tẩy những quan hệ làm ăn không minh bạch của Richard Perle, Chủ tịch Ban Chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, với Quỹ tư nhân quản lý đầu tư của Arập Xêút và với một công ty Anh chuyên bán phần mềm theo dõi cho FBI và CIA. Những phanh phui này đã khiến Perle buộc phải từ chức. Cũng năm 2003, chính Hersh đã tường thuật về đội đặc nhiệm 121 và một số đội khác từng dính líu đến các vụ giết hại dân thường ở những nước mà Mỹ chiếm đóng hoặc đóng quân.
Cứ thế, Hersh tiếp tục miệt mài như chú chuột trong những đường hào của làng báo, giao thiệp với những viên chức bậc trung "không tên tuổi" nhưng có nhiều khả năng biết rõ những sự thật đang được chôn vùi ở đâu. Hersh đơn thương độc mã sục sạo với tư cách một người ngoài vòng quyền lực và những thông tin của ông luôn làm giới cầm quyền mất ăn mất ngủ. Hersh luôn rành rọt với triết lý làm báo của mình: "Cách tôi thể hiện lòng trung thành của mình là đặt câu hỏi. Điều quan trọng nhất là giữ được sự đứng đắn và trung thực ở mức độ cao nhất có thể cho những người trong cơ quan công quyền. Và nếu chúng ta không làm điều đó thì có nghĩa chúng ta quên lời hứa trung thành. Do vậy, chúng ta cần lên tiếng ngay cả khi ai đó nhân danh quốc gia làm điều sai trái".
Sau sự kiện Abu Ghraib tới nay, Hersh vẫn liên tục tung ra những bài báo gây chấn động. Năm 2003, qua điều tra độc lập, chính Hersh là nhà báo Mỹ duy nhất đã quả quyết đưa ra tuyên bố: "Chúng ta (Mỹ) sẽ không tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt WMD ở Iraq". Điều này sau đó 4 năm, ngày 5/6/2007 đã được chứng minh tại cuộc họp của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ.
Theo báo cáo của Ủy ban này, "không chứng cứ" về việc Baghdad sở hữu vũ khí giết người hàng loạt (WMD) cũng như không có bằng chứng nào xác nhận chính quyền Sadam Hussein có mối liên hệ với tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda. Đó chỉ là những cớ để người đứng đầu tòa Bạch ốc là Tổng thống Bush và các quan chức cấp cao khác cố tình bưng bít thông tin tình báo, phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 mà thôi.
Tháng 4/2007, trên tạp chí Người New York, Hersh lại tiết lộ việc Lầu Năm Góc đã cho thành lập một đội đặc nhiệm lên kế hoạch oanh tạc Iran khẩn cấp. Chỉ cần Tổng thống ra lệnh, Đội đặc nhiệm này có thể tấn công Iran trong vòng 24 giờ. 5 tháng sau, Hersh lại cho một đồng nghiệp ở Pháp biết thông tin được lọt ra từ Nhà Trắng rằng, kế hoạch tấn công Iran đã được quyết định. Ngay lập tức những thông tin này dấy nên làn sóng dư luận trên thế giới về khả năng Mỹ có thể tấn công Iran. Cho đến nay, rất nhiều những phân tích, bình luận, đánh giá của các chuyên gia chính trị quân sự sừng sỏ trên thế giới vẫn coi sự kiện này là tiêu điểm cần quan tâm và làm sáng tỏ.
Cũng theo Hersh, những cuộc tấn công trong năm 2008 chủ yếu là do lực lượng Delta Force và Hải cẩu tiến hành trong các chiến dịch quân sự làm số dân thường thiệt mạng tăng hơn 40% so với năm 2007. Tháng 12/2008, quân Mỹ tấn công vào một dinh thự ở tỉnh Khost nhằm bắt giữ một thủ lĩnh Al-Qaeda và đã giết nhiều dân thường, trong đó có một em bé 4 tuổi bị chó săn của lính Mỹ cắn chết. Nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ xảy ra ngày 22/8/2008 tại một làng phía tây Afghanistan, đã có tới 90 dân thường bị lính Mỹ sát hại chứ không chỉ là con số vài người như lúc đầu phía Mỹ đưa ra.
Nhà báo Hersh nói rằng, ông không hề lừa dối công luận. Sự thật cần phải được tôn trọng và ông là một chiến sĩ bền bỉ đấu tranh cho điều đó. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ rằng, việc chỉ trích gay gắt giới lãnh đạo chính trị của chính đất nước mình cho cả thế giới nhìn nhận thực sự là một điều đau đớn. Dẫu vậy, sự lừa dối là không thể khoan nhượng. Và những người đứng đầu một đất nước, một dân tộc càng cần phải hành xử đúng như vậy.
Theo Ngọc Mai (ANTG)