Người rút súng đe doạ trong vụ mua bán đất: Dấu hiệu tội đe dọa giết người

Sự việc bà TTTH (trú thị xã Thái Hòa) gửi đơn kêu cứu vì bị người đàn ông rút súng uy hiếp và bị người phụ nữ xé giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ-PV) đang được cơ quan CSĐT Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) xác minh, điều tra.

Theo đó, bà H mua lô đất của ông NVK, sau đó bà H có thỏa thuận bán lại lô đất trên cho bà QTT (trú xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa).

Khi bà H và bà T có mặt tại văn phòng công chứng ở thị xã Thái Hòa để thực hiện hợp đồng giao dịch mua bán lô đất thì bà T gọi điện cho chị BT (trú huyện Diễn Châu) cùng nhóm người đến.

Người đàn ông rút súng. Ảnh cắt từ video clip. 

Tại đây, nhóm người này yêu cầu xem sổ đỏ, bà H đưa sổ đỏ ra thì bà T "cướp" lấy rồi xé rách. Chồng bà H dành lại sổ đỏ và xảy ra lộn xộn. Lúc này một người đàn ông xuất hiện, rút súng dí vào chồng của bà H. Khi chồng bà H đang bị khống chế bằng súng thì bà T đã kịp xé rách nát sổ đỏ. Khi mọi người ra đường thì người đàn ông này tiếp tục rút súng ra và "lên đạn kêu cạch cạch".

Trong đơn, bà H nêu người rút súng là ông Hồ Văn Nam làm nghề luật sư. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Trọng Điệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An) cho biết trong danh sách Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An không có ai là Hồ Văn Nam.

Vậy hành vi của người đàn ông rút súng dí vào chồng của bà H có vi phạm pháp luật hay không?

Theo Luật sư Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam)
Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 (Luật QLSDVK) quy định vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất. Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

Còn công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp. Công cụ hỗ trợ có thể là súng bắn điện, súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này...

Trong vụ việc nêu trên, chưa xác định được khẩu súng mà người đàn ông kia sử dụng là loại súng nào. Tuy nhiên, theo LS Hiệp, Điều 5 Luật QLSDVK quy định nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Như vậy, việc cá nhân sử dụng vũ khí hay công cụ hỗ trợ đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Cạnh đó, tại Điều 18, 24 Luật QLSDVK quy định chỉ một số trường hợp mới được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Đó là quân đội nhân dân; dân quân tự vệ; người được giao sử dụng vũ khí trong luyện tập, thi đấu thể thao; các đối tượng trong công an, quân đội, kiểm lâm,… Cạnh đó, để được sử dụng súng phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Luật QLSDVK.

Về chế tài xử lý, theo LS Hiệp nếu cá nhân sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ... trái quy định nhưng chưa gây hậu quả hoặc sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép chưa đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 10 Nghị định số 167/2013. Mức phạt từ 2-4 triệu đồng và người vi phạm còn bị tịch thu tang vật.

Ở mức độ nặng, tùy vào loại súng sử dụng có thể bị xử lý hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 306 BLHS) hoặc tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304 BLHS). 

Cũng theo LS Hiệp, nếu dùng súng dù là công cụ hỗ trợ đe dọa tính mạng người khác, làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì có thể bị xử lý về tội đe dọa giết người.

Trong vụ này, người đàn ông đã rút súng dí vào chồng của bà H. Hành vi dí súng vào người đã làm cho người bị đe dọa là chồng bà H lo sợ. Bằng chứng là khi thấy người đàn ông dí súng vào người, chồng bà H đã bị khống chế và lúc này bà T đã kịp xé rách nát sổ đỏ. Có thể hành vi này không nhằm mục đích giết người nhưng đã làm cho người bị đe dọa tưởng thật là mình có thể bị giết thì vẫn cấu thành tội đe dọa giết người.

Về hậu quả, theo LS Hiệp hành vi đe dọa giết người là sự lo sợ rằng việc bị giết có thể xảy ra. Còn nếu hành vi đe dọa được thực hiện thì việc nạn nhân chết hoặc bị thương sẽ cấu thành tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích chứ không còn là tội đe dọa giết người.

Đồng tình, ThS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng theo thông tin ban đầu mà báo chí đã nêu, người đàn ông có hành vi rút súng, lên đạn và dí súng vào người nạn nhân. Đây là hành vi thể hiện ý định đe dọa tước bỏ tính mạng của nạn nhân, làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, phù hợp với hành vi khách quan của tội đe dọa giết người. Cụ thể, hành vi của người đàn ông này có thể cấu thành tội đe dọa giết người theo khoản 1 Điều 133 BLHS với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm