Tết đặc biệt của người Sài Gòn - Bài cuối:

Người Sài Gòn nương nhau qua mùa dịch

Hai năm qua, vợ chồng chị Hoàng Thị Mai Liên phải đón tết xa nhà, dự định năm nay sẽ về Nam Định đón tết cùng ông bà, thế nhưng vì dịch COVID-19, ước mơ của gia đình chị đành gác lại.

Cầm trên tay đòn bánh tét vừa được người chủ trọ gửi tặng, chị Liên xúc động: “Năm nào cũng vậy, má đều gửi tặng bánh tét cho chị em công nhân chúng tôi. Mỗi lần như thế, thật sự chúng tôi rất hạnh phúc. Dù ít hay nhiều, cũng đỡ tủi thân khi đón tết xa nhà”.

Bà chủ trọ bận lo tết cho “người dưng”

Không riêng gì chị Liên hay những anh chị ở tại khu trọ, những công nhân vệ sinh hay những cụ già gặp trên đường, má Bên đều vui vẻ gửi tặng một đòn bánh để mọi người “ăn lấy thảo”. Họ truyền tai nhau, giữa Sài Gòn rộng lớn, gặp một người có tấm lòng thơm thảo như bác ấy thiệt là may mắn.

“Má Bên” là cái tên thân thương mà nhiều người dành tặng bà Bùi Thị Bên - chủ khu nhà trọ nằm ở một con hẻm nhỏ của phường Tăng Nhơn Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM. Má Bên vào Sài Gòn lập nghiệp khoảng chừng 35 năm trước.

Nhiều năm nay, cứ cận tết, bà chủ trọ lại tất bật làm bánh, má bảo phải ráng cho xong càng sớm càng tốt để tặng những đứa trẻ khuyết tật và những công nhân xa quê, chứ tết đến nơi rồi. Trước đó, má đã đặt sẵn nguyên liệu làm bánh, nào là thịt heo, đậu xanh lẫn nếp.

“Gì thì gì chứ nhắc đến tết Việt là phải có bánh chưng, bánh tét. Năm nay bác sẽ gói 100 đòn bánh để tặng mọi người. Mà gói là phải chọn đồ ngon đó nha, cách cho hơn của cho mà. Người mà xa quê không về được, họ đến đây quây quần bên nồi bánh cũng thấy chút ấm lòng ngày tết” - má Bên cười.

Má Bên - bà chủ trọ bận lo tết cho “người dưng”. Ảnh: NGUYỆT NHI

Khuya. Khi tất cả mọi người đã chìm vào giấc ngủ, má Bên vẫn lặng lẽ canh nồi bánh. Cứ nước cạn lại châm thêm. Kể chuyện, má nói tuy một đòn bánh nhỏ nhưng làm nhiều người vui lắm. Như tụi nhỏ khi nhận bánh, khen quá trời. Đó là động lực để má cùng gia đình duy trì suốt hơn 10 năm qua.

Trời bắt đầu tờ mờ sáng, má Bên mở nắp nồi bánh bốc khói thơm lừng mùi nếp. Lấy một chiếc mâm có lót một ít lá chuối xanh, má bắt đầu vớt dần những đòn bánh đầu tiên. “Từng công đoạn đều phải kỹ lưỡng để bánh không bị hư. Mình đã tặng là phải tặng cái ngon cho các con nên phải thức canh cẩn thận chứ không khéo bánh lại dở” - vừa vớt bánh bà Bên vừa thỏ thẻ.

Không những thế, ngày tết, những ai không về quê được, gia đình má Bên lại đón họ về quây quần ăn tết như người thân trong nhà. Mùa dịch COVID-19, má Bên cũng giảm tiền phòng mong san sẻ phần nào với những người thuê trọ. “Dịch mà, ai mà muốn. Mình cũng từng xa quê để kiếm sống nên có thể giúp được cho ai chút gì thì quý chút đó” - má Bên nói.

Giải cứu nông sản cho bà con nông dân

“Bà con ủng hộ nông sản Hải Dương đi. Bắp cải phát miễn phí nhưng kế bên có thùng ủng hộ tùy tâm. Nếu bà con có lòng thì gửi vào đây, kinh phí này dùng để thực hiện tiếp các chuyến rau tiếp theo”.

Những ngày mới ra tết 2021, tiếng rao đều đặn vang lên từ cổng chùa Tam Tông Miếu, nơi một nhóm bạn trẻ Sài Gòn tất bật phân chia rau để vận chuyển đến những nơi cần và tổ chức một gian hàng 0 đồng khiến nhiều người nhớ mãi. Họ chính là những người trẻ tham gia chiến dịch giải cứu nông sản giúp bà con nông dân vượt qua thời kỳ dịch bệnh khó khăn. Giữa trưa, xe chở nông sản từ Hải Dương vừa đỗ trước cổng chùa Tam Tông Miếu, hàng chục người thay nhau di chuyển gần chục tấn rau, củ, quả vào chùa.

Nhóm bạn trẻ giúp người dân giải cứu nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trên gương mặt mọi người ướt đẫm mồ hôi, thế nhưng ai cũng vui vẻ. Sau khi vận chuyển xong 10 tấn rau củ từ xe tải xuống, ăn vội miếng cơm, mọi người lại vội ngồi lại một góc để bóc vỏ bắp cải, cho vào bọc cẩn thận rồi xếp ngay ngắn trên chiếc bàn, bên cạnh thùng tiền ủng hộ tùy tâm.

Người đến lấy rau, người lấy bắp cải… cứ thế số nông sản ngày càng vơi đi. Chiếc thùng bên cạnh đống hàng hóa cũng bắt đầu nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Có người ủng hộ vài chục ngàn, có người nhiều hơn. Xúc động nhất, dù các bạn trẻ nói tặng không nhưng có những cô chú lao công, nhặt ve chai, bán vé số vẫn cương quyết bỏ tiền vào thùng.

“Bác làm nghề lượm ve chai, mỗi ngày kiếm cũng được trăm ngàn. Tuy mình khó khăn đó nhưng xem tivi thấy bà con ngoài kia còn khó khăn hơn mình nhiều. Bác già rồi, ăn cũng không nhiều nên có ít mình góp ít, ủng hộ giúp đỡ đồng bào” - người phụ nữ lớn tuổi bỏ tiền vào thùng rồi chầm chậm dắt xe đạp đi ra.

Là người tham gia nhiều hoạt động từ thiện, thấy bà con nông dân Hải Dương gặp khó khăn trong việc tìm lối ra cho nông sản khi có dịch bệnh, chị Thái Nguyệt Nhi - người tổ chức giải cứu nông sản đợt này từng không khỏi băn khoăn. Muốn giúp bà con nhưng chưa biết có thể giúp bằng cách nào. Nếu đưa vào đây thì với quãng đường xa như vậy, liệu có thể bảo quản được nông sản hay không.

“Ban đầu tôi nghĩ 10 tấn rau củ thì nhiều lắm, chắc mình làm không xuể đâu. Nhưng không ngờ chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã bán sạch hết. Cũng nhờ vậy tôi mới thấy được tình người Sài Gòn thật quý biết bao. Chủ yếu ưu tiên phát cho các cơ sở tôn giáo, trung tâm xã hội nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật..., phần còn lại sẽ được phát miễn phí cho người dân” - chị Nhi chia sẻ.


Nữ chủ nhà trọ cho công nhân nợ vô thời hạn
Nữ chủ nhà trọ cho công nhân nợ vô thời hạn
(PLO)- Mấy năm nay, khu trọ nhà chị Huỳnh Thị Thư (39 tuổi, quận Tân Bình) ít người mới đến thuê vì công nhân không muốn chuyển đi. Tết gần kề, chị lại chuẩn bị gói bánh tét, mua quà cho trẻ em trong khu trọ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm