Người thẩm phán và vụ án của cô giáo nghèo

Với tôi, ông thật sự là một “thẩm phán lớn”. Khái niệm “lớn” ở đây không phải là thẩm phán sơ cấp, trung cấp hay cao cấp mà là một thẩm phán giỏi nghiệp vụ, sống có tình người và dám nhận phần khó khăn về mình…

Quen ông đã lâu, mỗi câu chuyện nghề mà ông tâm sự luôn làm tôi cảm động về cái tâm và cách xử lý tình huống của một thẩm phán. Với tôi, ông thật sự là một “thẩm phán lớn”. Khái niệm “lớn” ở đây không phải là thẩm phán sơ cấp, trung cấp hay cao cấp mà là một thẩm phán giỏi nghiệp vụ, sống có tình người và dám nhận phần khó khăn về mình …

1. Chuyện xảy ra vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, ông được phân công giải quyết một vụ tranh chấp hợp đồng vay tiền. Theo hồ sơ ban đầu, nguyên đơn cho rằng bị đơn đã không trung thực khi thế chấp giấy tờ nhà là bản phôtô để vay mượn tiền. Khi phát hiện bị đơn đã bán mất căn nhà đó, nguyên đơn bèn đưa đơn ra tòa.

Vào thời điểm đó, nhận thức chung trong các cán bộ tố tụng là việc dùng giấy tờ nhà không có giá trị để vay tiền, sau đó không có khả năng trả nợ là có dấu hiệu phạm tội. Vì vậy, sau khi nghiên cứu hồ sơ, trao đổi với các đồng nghiệp, ông đã đề xuất chuyển cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đề xuất của ông được chấp nhận. Công an quận sau khi điều tra sơ bộ đã khởi tố và chuyển công an TP giải quyết theo đúng thẩm quyền. Sau đó, VKS đã ra cáo trạng truy tố bị can.

Bị can là một cô giáo nghèo không việc làm nhưng phải cáng đáng cả hai con với một mẹ già. Hằng ngày, cô dạy kèm Anh văn cho các cháu nhỏ trong xóm để kiếm chén cơm cho một gia đình bốn miệng ăn. Cuộc sống trôi qua thật chật vật, thiếu trước hụt sau, đắp đổi qua ngày.

Người thẩm phán và vụ án của cô giáo nghèo ảnh 1

Khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa, cô giáo nghèo lo lắng, tâm trạng sa sút. Một phụ huynh của học sinh nhận thấy quan tâm hỏi han và cô đã tâm sự hết những âu lo khi phải hầu tòa. Thương cô, người này đã tìm đến gặp vị thẩm phán, kể hết hoàn cảnh của cô giáo và nhờ tư vấn cách trình bày trước tòa.

Đọc hồ sơ, vị thẩm phán có dịp nhìn lại vụ án một cách toàn diện và sâu hơn những tài liệu ban đầu. Ông nhận thấy lúc cô giáo vay mượn ban đầu chỉ là vay mượn tín chấp, không có thế chấp. Rồi sau đó một thời gian, người cho vay mới yêu cầu cô giáo có giấy tờ gì đó làm tin thì đưa cho họ. Trước đó, cô giáo vì nghèo khó nên đã bán nhà để lo cho gia đình nhưng cô vẫn được người mua nhà cho tiếp tục ở lại. Trong lúc bí bách, không biết xử lý sao, cô đã lấy đại bản phôtô giấy tờ nhà đang ở giao cho người cho vay. Người này cũng không chú ý, đồng ý nhận luôn bản phôtô không có giá trị để làm tin…

Ngừng câu chuyện, ông thở dài: “Có thể ban đầu chúng tôi đã vội vã chuyển cơ quan điều tra khi chưa xem xét đầy đủ các tình tiết. Với những phân tích trên thì trường hợp này người cho vay cũng có lỗi là đồng ý nhận giấy tờ bản phôtô và người vay cũng không có sự gian dối khi nhận tiền vay. Như vậy là chưa đủ cơ sở để kết luận người đi vay phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa, cô giáo đã trình bày như đã được phân tích ở trên và nói trong nước mắt rằng cô không hề có ý định lừa đảo người cho vay. Trước diễn biến mới, tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Làm việc lại, người cho vay xác nhận sự việc hoàn toàn như cô giáo khai và rút đơn tố cáo. Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ vụ án.

2. “Chuyện qua lâu rồi, bây giờ ngồi kể lại thì chỉ vài dòng nhưng vào thời ấy, việc chuyển hóa nhận thức từ buộc tội sang gỡ tội của người tiến hành tố tụng không phải là đơn giản” - vị thẩm phán trầm ngâm.

Ông ưu tư, bởi trong quá trình giải quyết án, cũng đã có không ít ý kiến tặc lưỡi: “Hồ sơ vậy rồi, công an điều tra rồi, VKS ra cáo trạng rồi thì còn cãi gì nữa”, “lật lại vụ án làm gì cho phức tạp thêm”… Nhưng ông không thể không lật lại vụ án, bởi đằng sau đó, không chỉ là riêng số phận của cô giáo bị oan mà còn là số phận của cả một gia đình. Hai con nhỏ và một mẹ già, những người ấy biết trông chờ vào ai khi cô giáo phải vào tù?

Vụ án khép lại nhưng tình người là cái còn đọng mãi. Mỗi năm tết đến, cô giáo lại đến tòa gửi quà, thăm hỏi vị thẩm phán. Quà không có gì lớn, năm thì cái thiệp chúc tết, năm thì hộp bánh nhỏ… nhưng đó là cái tình cái nghĩa mà con người không thể nào quên. Một điều nữa rất vui với vị thẩm phán là một người con của cô giáo, về sau này đã theo học trường luật vì tình yêu công lý và muốn có cơ hội giúp đỡ người bị oan.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm