Người tiêu dùng quen dần với dùng hàng Việt

Kết quả khảo sát trong năm 2013 cho thấy thị phần hàng Việt bày bán tại những cơ sở bán lẻ này đạt bình quân 90%. Bên cạnh đó có đến 71% người dân thành phố ưu tiên sử dụng hàng Việt”. Đây là thông tin từ buổi sơ kết cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức ngày 13-1, tại TP.HCM.

Theo bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty An Phước, trình độ sản xuất trong nước vẫn còn khoảng cách so với mặt bằng chung của khu vực, do đó sức cạnh tranh của hàng trong nước với hàng ngoại chưa cao. Bên cạnh đó, tâm lý sính ngoại còn phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức sản xuất trong nước.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết thời gian qua chương trình đạt kết quả khá tốt. Các doanh nghiệp (DN) hiểu trách nhiệm là phải sản xuất ra sản phẩm chất lượng an toàn, xem đây là trách nhiệm nghĩa vụ của mình. Người tiêu dùng (NTD) sẽ cũng nhìn nhận lại và đánh giá chất lượng của DN, buộc DN phải tự vươn lên đạt yêu cầu đó. Tuy nhiên, để cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt phát huy thêm, cần có sự liên kết giữa Nhà nước, DN, NTD.

Theo ban chỉ đạo, hạn chế của cuộc vận động là hiện còn không ít DN chưa chủ động tiếp cận, mở rộng thị trường quảng bá sản phẩm. Một số DN đang khó khăn chưa được tháo gỡ về vốn lãi suất để có điều kiện phục hồi và duy trì hoạt động. Đặc biệt hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả chưa được ngăn chặn triệt để nên làm cho hàng Việt càng khó cạnh tranh hơn.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết sau bốn năm triển khai chương trình, số người được hỏi ưu tiên sử dụng hàng Việt từ 38% nay đã lên đến 71%. Hiện hàng Việt xuất khẩu sang hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các DN trong nước đã chú trọng đến thị hiếu của NTD để đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp hơn. Việc để NTD và nhà sản xuất gặp nhau là điều quan trọng và cần có hành động cụ thể chứ không hô hào chung chung.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới