Người trẻ vào rừng để xả stress, tái tạo năng lượng

(PLO)-  Để giải tỏa căng thẳng sau những áp lực học tập, công việc ở phố thị, người trẻ thường chọn đi vào rừng dã ngoại, leo núi, cắm trại nhằm tái tạo năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau một tuần học tập, làm việc mệt mỏi, người trẻ có rất nhiều cách để xả stress, nạp năng lượng như tụ tập bạn bè nói chuyện, tán gẫu hay đi thả diều, chụp ảnh sống ảo. Đặc biệt, một số bạn trẻ chọn tạm rời xa TP và đi vào rừng núi, ao hồ để dã ngoại, leo núi, cắm trại. Họ muốn hưởng không khí rừng xanh để trở lại phố thị với một con người tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng.

Hít thở khí rừng cũng đủ giải tỏa căng thẳng

Cũng như một số bạn trẻ khác, Lê Anh Phông (sinh viên năm cuối Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết rất thích cắm trại, dã ngoại ở bìa rừng hay ao hồ, sông suối. Anh nói những lúc bản thân thấy căng thẳng, cần nạp năng lượng thì sẽ rủ bạn bè sắp xếp một kèo vào rừng cắm trại. Anh và bạn bè thường chọn đến hồ Trị An (Đồng Nai) vì nơi đây có nhiều người cũng đi cắm trại, không quá hoang vu, đảm bảo an toàn.

“Là sinh viên năm cuối nên tôi cũng có nhiều áp lực học tập, thực tập. Để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, tôi đã rủ nhóm bạn thân cùng nhau đi cắm trại vào cuối tuần. Tôi chọn vào ao hồ, bìa rừng vì nơi đây có cây cối, sông suối, chim chóc. Nó trái ngược với phố thị tấp nập dòng người, đèn đường, xe cộ.

Lê Anh Phông (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè cắm trại tại hồ Trị An (Đồng Nai). Ảnh: NVCC

Lê Anh Phông (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè cắm trại tại hồ Trị An (Đồng Nai). Ảnh: NVCC

Vào rừng, tôi thấy những mệt mỏi tan biến hết. Tôi thích cảm giác ngắm hoàng hôn và bình minh ở một nơi xa. Một năm chúng tôi chỉ đi một hoặc hai lần nhưng mỗi lần như thế, bản thân tôi cảm thấy được nạp rất nhiều năng lượng tích cực” - anh Phông trải lòng.

Được hỏi về việc bảo vệ rừng khi vui chơi, giải trí ở đây, anh Phông cho biết nhóm anh ai cũng yêu thiên nhiên nên luôn có ý thức bảo vệ rừng. Sau khi cắm trại, nhóm anh luôn thu gom tất cả rác, bao nylon và vỏ chai nhựa để mang ra khỏi rừng và vứt đúng nơi quy định. “Mình vui chơi được thì mình dọn dẹp được. Có rất nhiều nhóm vào đây cắm trại, nếu ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh thì nơi đây sẽ luôn sạch đẹp” - anh chàng nói.

Trang bị dụng cụ và kỹ năng để vào rừng chuyên nghiệp

Chú ý nếu cắm trại ở nơi ao hồ, sông suối

Nếu cắm trại ở nơi ao hồ, sông suối, nên chú ý đến an toàn nếu đoàn có trẻ con. Không uống nước sông suối chưa qua lọc và đun sôi. Nên tuân thủ đúng những biển cảnh báo an toàn tại địa điểm. Ví dụ như không được tắm sông suối nơi nguy hiểm, nơi có nước chảy xiết, nơi có biển cấm.

Còn Trương Nguyễn Thảo My (sinh viên năm ba Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết cô thường đi leo núi và cắm trại với bạn bè vào những dịp cuối tuần hay dịp nghỉ lễ. Cô nói mình thích leo núi vì đây là bộ môn thử thách sức bền. Trong khi leo núi, cô vừa có thể hòa mình vào thiên nhiên vừa có cảm giác đang chinh phục thử thách.

Thảo My bày tỏ: “Sau một thời gian học tập, làm việc mệt mỏi, tôi sẽ trốn phố thị, xách ba lô và đi vào rừng leo núi cắm trại. Vào rừng, tôi được thư giãn, hít thở khí trời nên cảm thấy như được nạp lại năng lượng. Đây là những cách tôi chọn để vui chơi, giải trí cùng bạn bè”.

Cô kể thêm dù leo núi rất mệt, hết sức lực nhưng cảm giác thỏa mãn vì đã chinh phục được ngọn núi, giống như đạt được tấm huy chương của bản thân. Còn khi cắm trại ở những nơi bằng phẳng hơn, không phải vận động nhiều, cô thường câu cá, thả diều để thư giãn.

Kể về những trở ngại khi chơi bộ môn leo núi, Thảo My chia sẻ khi leo núi sẽ dễ bị hiện tượng say độ cao nếu leo một ngọn núi quá cao, hoặc bị hạ đường huyết. Không ít lần trong nhóm cô đã có người bị hạ đường huyết. Vì thế, cô và bạn bè thường mang theo kẹo và nước ion.

Ngoài ra, tùy địa hình núi mà nhóm cô phải chuẩn bị dụng cụ phù hợp như gậy leo, găng tay, đồ bảo hộ khớp, đặc biệt là một đôi giày dành riêng cho leo núi.

Chia sẻ về các kỹ năng giúp bảo vệ bản thân khi đi vào rừng, chị Bùi Minh Nguyệt (Phó Giám Công ty Du lịch Hoang Dã - Wildtour), người chuyên điều hành các chuyến du lịch trong rừng, cho biết tùy theo mục đích và địa hình của từng chuyến đi mà ta trang bị các dụng cụ phù hợp.

Đối với các bạn trẻ tự lập nhóm đi vào rừng mà không có người hướng dẫn thì trong nhóm phải có ít nhất một người hiểu rõ địa hình, nắm rõ tuyến đi. Nên đi theo những tuyến đường mòn đã vạch sẵn, không nên ra khỏi đường mòn. Nếu muốn khám phá những tuyến mới, nên đi cùng hướng dẫn viên hoặc người dẫn đường.

Ba nguyên tắc nên nhớ khi vào rừng

“Có ba nguyên tắc nên nhớ khi đi rừng: Không để lại gì ngoài những dấu chân - Không lấy gì ngoài những bức ảnh - Không giết gì ngoài thời gian. Khi vào rừng, chúng ta không được đốt lửa, không phá hoại cây rừng, không bắt và giết hại các loài động vật trong rừng, không xả rác. Hy vọng các bạn trẻ khi vào rừng sẽ có ý thức bảo vệ cây cối, sông nguồn” - chị Bùi Minh Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm đi rừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm