Người vay rủ nhau 'bùng nợ', thị trường vay tiêu dùng méo mó

(PLO)- Nợ xấu nhóm công ty tài chính tiêu dùng tăng kỷ lục do người vay rủ nhau "bùng nợ". Các chuyên gia khuyến nghị cần có đạo luật riêng cho vấn đề này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vay tiêu dùng chính thống suy giảm, tín dụng đen bùng phát

Tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6-2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Theo thống kê của Fiingroup, nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6-2023.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" do VTV tổ chức ngày 31-10 ở Hà Nội.

Theo ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm câu lạc bộ tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Mcredit, có 2 lý do dẫn tới tình trạng này là việc các công ty tài chính bị "đánh đồng" với các tổ chức tín dụng đen và khách hàng cố tình "bùng nợ".

Hàng loạt hội nhóm ra đời chia sẻ cách thức trốn nợ, người trước bảo người sau, tạo hệ lụy lớn cho cho thị trường cũng như các công ty tài chính.

Hội thảo gỡ khó cho vay tiêu dùng sáng 31-10.jpeg
Nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất cần có luật riêng cho tài chính tiêu dùng. Ảnh: MT

Đáng lo nhất là rộ lên tình trạng tín dụng đen "núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen.

Tình trạng này kéo theo hiện tượng một số khách hàng mượn những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ thậm chí lan truyền xúi giục nhiều người khác cùng “bùng nợ” trên mạng xã hội càng khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó.

Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), 3 năm qua đã có 2.740 vụ với gần 5.000 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” bị phát hiện, 3.399 bị can đã bị khởi tố điều tra. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý hơn 700 vụ, khởi tố trên 400 vụ và 800 bị can.

Trong đó, nhiều băng nhóm hoặc nhóm đối tượng hoạt động liên quan công nghệ cao, có cả người nước ngoài vào thành lập núp bóng thuê người Việt Nam hoạt động tín dụng đen với lãi suất lên đến cả nghìn %.

Qua đánh giá, các đối tượng đơn lẻ sử dụng mạng xã hội để đăng tin, quảng cáo cho vay hoặc núp bóng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Tạo lập các ứng dụng, website giả, nhái các ứng dụng của ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính được cấp phép để dụ dỗ, lôi kéo người vay.

Cần có luật riêng cho tài chính tiêu dùng

Hiệp hội Ngân hàng khẳng định, việc thành lập các hội "bùng nợ" trên mạng xã hội nhưng không bị xử lý đã dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc...

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh cho rằng, việc lập hội nhóm những người cố tình đưa thông tin sai lệch có thể bị xử lý, xử phạt hành chính. Nếu cố tình vi phạm, có thể xem xét yếu tố hình sự với tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, các quy định xử phạt với hành vi này đã có.

Đồng tình quan điểm, tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hành lang pháp lý với lĩnh vực này tuy có nhưng chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Ông Lực cho rằng, cần phải phân tách các nhóm tổ chức tín dụng cho vay.

Về lâu dài, cần có bộ luật riêng cho ngân hàng thương mại và luật riêng cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện hơn nữa chuẩn mực với hoạt động cho vay tiêu dùng cũng như đòi nợ.

“Ở Việt Nam chúng ta đang có quan niệm sai lầm, lỗi luôn thuộc về người cho vay chứ không phải người đi vay, giống như va chạm xảy ra giữa ô tô và người đi bộ thì lỗi luôn thuộc về người lái ô tô. Rõ ràng, chúng ta có quan niệm chưa công bằng về quyền lợi, trách nhiệm giữa bên vay và bên cho vay, cần luật hóa để công bằng hơn”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm