Long An: Ngăn tín dụng đen bủa vây công nhân

(PLO)- Các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh ngăn chặn nhưng tín dụng đen vẫn tiếp diễn, thậm chí hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Long An là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, năng động nên thu hút lượng lớn người từ các tỉnh, TP khác đến sinh sống, làm việc. Bên cạnh những thuận lợi, nhiều mặt tiêu cực đang gây ra vấn đề nhức nhối đối với chính quyền và xã hội.

Các hoạt động tín dụng đen (TDĐ), cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê kiểu khủng bố tinh thần liên tiếp xảy ra đã trở thành một trong những vấn đề đáng quan ngại ở địa phương.

Bị bôi nhọ dù không liên quan đến “món nợ”

Gần đây, tại buổi đối thoại giữa công nhân lao động và UBND tỉnh Long An, anh Nguyễn Văn Nam, Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam, đặt câu hỏi tình trạng TDĐ, đòi nợ thuê kiểu giang hồ trở nên phổ biến.

Hinh_chinh-P5_Chính_huynhdu_minhanh_2h.jpg
Đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó Giám đốc công an tỉnh, đối thoại với công nhân lao động
về nạn tín dụng đen. Ảnh: HD

Nhiều trường hợp nhận được các cuộc gọi đe dọa để đòi nợ, thậm chí là bôi nhọ đưa lên mạng xã hội vì những “món nợ” không liên quan. Điều này gây ảnh hưởng lớn về tâm lý, tinh thần của nhiều người và hoạt động của doanh nghiệp.

Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, có nhiều người bị mất việc làm, thu nhập bấp bênh, không ổn định, ốm đau, bệnh tật, không làm chủ được chi tiêu… trong khi việc tiếp cận tín dụng từ hệ thống ngân hàng còn nhiều rào cản đã khiến nhiều người tìm đến những khoản “vay nóng”, trong đó có TDĐ khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, thậm chí có người tự tử để giải thoát.

Anh NHL (ngụ huyện Thủ Thừa) cho biết chú ruột (khoảng 60 tuổi) hằng ngày phải đi làm kiếm tiền trả lãi 5 triệu đồng/tháng do con trai gây ra khi phải vay khoản nợ từ bên ngoài trước đó.

“Bây giờ thằng em trốn đi nơi nào không biết nữa, ông chú đã trả nợ hết mấy lần, mỗi lần trên 500 triệu đồng vì mê trò đá gà đỏ đen trên mạng, rồi túng thiếu mượn nợ, rồi nợ này ra nợ kia, ông chú buộc lòng phải cầm cố căn nhà để trả nợ, già rồi mà hai vợ chồng phải ráng mần để trả nợ từng tháng” - anh NHL nói.

Đây là một trong vô số người bị vướng vào nạn TDĐ trên địa bàn tỉnh. Còn đó rất nhiều người phải và đang chấp nhận việc chịu nợ, cạm bẫy TDĐ giăng khắp nơi và chỉ chờ những con nợ sập bẫy. Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh ngăn chặn tình trạng này nhưng vẫn tiếp diễn.

Đơn giản hóa thủ tục cho vay tại tổ chức tín dụng

Trong nỗ lực triệt phá các băng nhóm, đường dây cho vay lãi nặng, thời gian qua cơ quan chức năng của tỉnh đã triệt xóa, bóc gỡ các đường dây cho vay lãi nặng đơn lẻ, rời rạc, khởi tố các đối tượng hoạt động theo hình thức lập công ty, doanh nghiệp thực hiện hành vi cho vay với lãi suất lên đến hàng ngàn phần trăm một năm.

Hinh_phu-P5_Chính_huynhdu_minhanh_2h.jpg
Hai nghi phạm hoạt động cho vay lãi nặng Nguyễn Văn Giang và Đỗ Hải Vân tại cơ quan công an. Ảnh: CA

Từ đầu năm 2023 đến nay, công an tỉnh tiếp nhận xử lý 15 vụ việc liên quan đến hoạt động TDĐ. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 2 vụ, 4 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xử lý hành chính 13 vụ, 23 đối tượng, chủ yếu là các hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó Giám đốc công an tỉnh, thời gian qua lực lượng công an chủ động nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm, triệt xóa được nhiều đường dây, các ổ nhóm, đối tượng hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, các loại tội phạm có mối quan hệ với TDĐ.

Công an phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Lực lượng công an cũng đã mở các đợt cao điểm đấu tranh, triệt phá các băng nhóm hoạt động liên quan đến TDĐ, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.

“Những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nếu phát hiện, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phối hợp với Sở TT&TT, truy vết làm rõ, củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng tham gia, tùy theo mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự các đối tượng tham gia để tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa chung” - Đại tá Tâm nói.

Ngoài lực lượng công an, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các giải pháp ngăn chặn xử lý tệ nạn TDĐ, cho vay lãi nặng, đặc biệt cảnh báo về việc giao dịch cho vay bằng hợp đồng “giả cách”. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở.

Các cơ quan liên quan rà soát các bất cập, vướng mắc khi áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cho vay lãi nặng, TDĐ. Hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng ở địa bàn khu, cụm công nghiệp, khu đông dân cư, vùng sâu, vùng xa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm