'DN bị tín dụng đen ‘khủng bố’, địa phương không xử lý, báo ngay cho tôi'

(PLO)- Những nhóm cho vay không những khủng bố, đe doạ trực tiếp người vay mà họ còn khủng bố người thân làm chung công ty, cả quản lý, lãnh đạo, đối tác của công ty.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là một trong những ý kiến mà đại diện doanh nghiệp nêu ra tại buổi hội nghị đối thoại của giám đốc công an tỉnh Đồng Nai với đại diện của 200 doanh nghiệp đang hoạt động các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về trong nhiều lĩnh vực như: công tác an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác Phòng cháy chữa cháy vào chiều ngày 11- 8.

Khó khăn về các thủ tục cấp phép PCCC

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Quang mong muốn cùng các doanh nghiệp đóng góp ý kiến, chia sẻ tâm tư để cùng đồng hành cùng lực lượng công an Đồng Nai ở các lĩnh vực, nhất là trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong các doanh nghiệp.

Ông Võ Quang Hà (Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai) cho biết về lĩnh vực PCCC, ông kiến nghị một số những quy định, vướng mắc về những thủ tục cấp thế, thiết kế khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ví dụ có doanh nghiệp khi thiết kế xây dựng giai đoạn trước theo quy định của Bộ xây dựng nhưng khi cấp phép về PCCC thì lại nghiệm thu theo quy định mới.

Ông Võ Quang Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: VH.

Ông Võ Quang Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: VH.

“Từ đó doanh nghiệp lập thủ tục cấp phép về PCCC bế tắc như sơn chống cháy, bảo vệ kết cấu theo quy định mới. Nhưng vấn đề đã làm tiêu tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Bên cạnh đó các thủ tục hành chính rất phức tạp, thời gian kéo dài... ”, ông Võ Quang Hà cho biết thêm.

Về vấn đề mà Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai nêu, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang cho biết, đã nắm nhiều thông tin về những thủ tục, quy định PCCC chưa hợp lý.

Những vấn đề về quy định pháp luật thì sẽ kiến nghị và đã kiến nghị, họp Quốc hội cũng đã kiến nghị... Hiện Bộ Xây dựng đang thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và đang nghiên cứu cùng các bộ liên quan sửa đổi một số nghị định.

"Tổ chức tập huấn doanh nghiệp về cách PCCC của công an huyện, công an địa phương để phòng ngừa rất quan trọng, cần thiết để cho công nhân, bảo vệ, chủ doanh nghiệp hiểu và chấp hành về công tác đảm báo các quy định PCCC. Nếu có cháy xảy ra hỏa hoạn mà được tập huấn thì hậu quả nếu xảy ra cũng sẽ hạn chế", Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nhận định.

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp kiến nghị về việc xây dựng, sửa chữa nhà xưởng xong nhưng vướng về thủ tục đất đai, chuyển đổi mục đích… nên không thể lập hồ sơ về PCCC khiến doanh nghiệp không thể hoạt động được.

Lo lắng về tín dụng đen

Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai cho rằng, tình hình an ninh trật tự các khu công nghiệp, doanh nghiệp và khu nhà trọ công nhân vẫn còn phức tạp, nhất là nạn tín dụng đen.

Nhóm người có quan hệ vay mượn với công nhân làm việc trong khu công nghiệp, trong nhà máy và các nhóm cho vay rất manh động, không những khủng bố, đe doạ trực tiếp người vay mà họ còn khủng bố người thân làm chung công ty, thậm chí là cả quản lý hay lãnh đạo công ty.

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Quang trong buổi đối thoại các đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VH.

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Quang trong buổi đối thoại các đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VH.

“Trước đây có tin nhắn hoặc điện thoại, còn bây giờ chúng còn gửi cả vào trong Email những lời lẽ rất thiếu văn minh và tôn trọng, tục tĩu. Có nhiều lúc nhóm này còn gọi điện cho cả đối tác làm ăn để hù dọa… điều này đang làm cho doanh nghiệp rất bức xúc. Đề nghị Công an Đồng Nai hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực trên”, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai nói thêm.

Về vấn đề tín dụng đen, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang cho biết, đa số các doanh nghiệp và đặc biệt là các khu công nghiệp lớn, hiện nay lượng công nhân đi vay nặng lãi chiếm đến 60%.

Đa số người vay đều thông qua các APP online của những nhóm tín dụng đen. Những người dân đi vay qua APP với nhiều lý do khác nhau, trong đó có tệ nạn ma tuý, mại dâm… một khi người dân lỡ dính bẫy cho vay tài chính này thì rất khó thoát ra được, do đó việc bị khủng bố hay hăm doạ là điều khó tránh khỏi.

“Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp khi có đối tượng nhũng nhiễu, khủng bố thì liên hệ ngay với công an địa phương gần nhất. Nếu ở cấp phường, xã thì có lực lượng phường xã, ở các KCN thì có các đồn Công an KCN. Lực lượng địa phương không xử lý thì báo ngay cho tôi để xử lý triệt để”, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang nói thêm.

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chia sẻ, để tránh tình trạng quấy nhiễu, khủng bố thì lãnh đạo các doanh nghiệp phải hành động bằng cách phải thường xuyên vận động, tuyên truyền trực tiếp cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp của mình, nên cân nhắc và cẩn trọng trước khi có nhu cầu sử dụng tiền, rồi đi vay tiền…. đặc biệt là vay qua các APP của tín dụng đen. Điều này sẽ ngăn chặn được tình trạng nhũng nhiễu, khủng bố chính người vay lẫn doanh nghiệp.

"Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông đang siết lại về những sim rác. Chúng ta phải tuyên truyền cho người lao động trong lĩnh vực này, đề nghị có thông tin thì báo công an địa phương, Phòng An ninh Công nghệ cao. Nếu phát hiện ra nhóm cho vay nặng lãi ở tại địa phương thì vui lòng báo cơ quan công an để chúng tôi có hướng xử lý", Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang cho biết thêm.

Ngoài ra, có doanh nghiệp cũng phản ánh về tình trạng trộm cắp các thiết bị điện, xây dựng trong một số dự án khu dân cư ở huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa. Công an đã vào cuộc nhưng chưa xử lý triệt để nên tình trạng trộm tài sản vẫn xảy ra.

Ngay tại buổi đối thoại, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang đã chỉ đạo công an địa phương xử lý dứt điểm tình trạng trộm cắp mà doanh nghiệp phản ánh và có báo cáo về Ban giám đốc công an tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm