Cụ thể, với khoảng 18 triệu lượt hành khách dự kiến bay trong năm 2014, chỉ cần tiết kiệm được 500.000 đồng/lượt bay thì tổng chi phí tiết kiệm được là 9.000 tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Bộ Chính trị mới đây cũng đã đưa ra chỉ thị 38-CT/TW về việc tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, trong đó nêu rõ “Các đoàn đi công tác nước ngoài phải thực hành tiết kiệm khi sử dụng các phương tiện đi lại, khuyến khích sử dụng hàng không giá rẻ”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh từng đưa ra con số 3.780 đoàn của các bộ - ngành đi nước ngoài trong năm 2012. Trong năm 2013 là 3.200 đoàn. Những chuyến công tác đó được chi trả bởi tiền thuế của người dân, nên việc khuyến khích tiết kiệm là hoàn toàn đúng đắn.
Với vài ngàn đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài mỗi năm, nếu đi máy bay giá rẻ thì sẽ tiết kiệm cho ngân sách một nửa chi phí đi lại. Nhưng chi phí công tác không chỉ dừng lại ở các chuyến bay quốc tế mà còn các chuyến bay nội địa.
Trong khi đó, đối với nhóm doanh nghiệp, hàng không giá rẻ góp phần cắt giảm chi phí hoạt động của các công ty. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra chính sách yêu cầu nhân viên khi đi công tác phải sử dụng hàng không giá rẻ hoặc chủ động đặt vé của các hãng giá rẻ cho nhân viên.
Với số tiền tiết kiệm được từ 500.000 đến 1 triệu đồng cho mỗi lượt bay, chắc chắn nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm được không ít chi phí hoạt động.
Tại Việt Nam, hàng không giá rẻ đã mang lại rất nhiều lợi ích mà không phải ai cũng nhận ra được. Có những lợi ích hiển nhiên, ví dụ như giá vé rẻ hơn sẽ cho phép nhiều người dân được tiếp cận với phương tiện giao thông hiện đại và an toàn là máy bay đặc biệt hàng triệu người chưa từng bao giờ được đi máy bay.
Ngoài ra, những lợi ích khác mà không thể tính toán bằng các con số chi tiết. Ví dụ như giá vé rẻ sẽ góp phần thúc đẩy du lịch và đầu tư trong và ngoài nước, khi mà chi phí di chuyển đã được giảm đi đáng kể thì người dân sẽ mong muốn được đi đây đi đó nhiều hơn, doanh nghiệp tăng cường giao thương.
Thị phần hàng không giá rẻ trong nước còn khiêm tốn
Thực tế, chính nhờ những lợi ích hữu hình lẫn vô hình như vậy mà hàng không giá rẻ từ lâu đã được thế giới ưa chuộng. Ở các nước trong khu vực, hàng không giá rẻ đang chiếm tỉ trọng 65-70% trong thị phần hàng không nội địa.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là con số này tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mới ở mức trên 30%. Có thể xem như người Việt thu nhập thấp hơn các nước bạn, nhưng lại đang phải trả chi phí đi máy bay cao hơn khi mà phần lớn hành khách vẫn đang di chuyển bằng hàng không truyền thống.
Tại Châu Á, các hãng hàng không giá rẻ như Lion Air (Indonesia), Air Asia (Malaysia), Nok Air (Thái Lan) hay Tiger Air (Singapore) sở hữu hàng trăm máy bay và đều được đa số người dân cũng như khách du lịch ủng hộ.
Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore cũng từng sang thăm Việt Nam bằng máy bay của hãng giá rẻ Tiger Air. Có thể thấy, sự ủng hộ của chính phủ trong việc tạo ra một thị trường hàng không lành mạnh đã thúc đẩy các hãng giá rẻ phát triển mạnh mẽ, song hành cũng các loại hình vận chuyển khác, giải bài toán nhu cầu đi lại của xã hội và người dân.
Hàng không giá rẻ là xu thế chung của thế giới, và ngành hàng không Việt Nam đang dần bắt kịp xu thế này trong khu vực.