Người Việt trẻ với thói xấu vô trách nhiệm

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCMđăng loạt bài "Thói xấu người đô thị", TS Phạm Thị Thúy đã dành cho báo một cuộc trò chuyện, chia sẻ góc nhìn của bà về những thói tật xấu của người Việt.

TS xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng nhiều bạn trẻ sống thờ ơ, vô trách nhiệm chính là hệ quả của nền giáo dục dựa trên thành tích khoa bảng thay vì nền giáo dục dựa trên giá trị sống. Nhiều thói xấu khác cũng là hệ quả của thói vô trách nhiệm.

Thói vô trách nhiệm ảnh hưởng vận mệnh đất nước

Phóng viên: Trong nhiều thói xấu của người dân đô thị nói riêng, người Việt nói chung, bà quan tâm đến thói xấu nào nhất?

TS xã hội học Phạm Thị Thúy hiện là giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia.

+ TS Phạm Thị Thúy: Đối với tôi, thói xấu khiến tôi trăn trở nhất, gặp phải hằng ngày đó chính là thói vô trách nhiệm. Rất nhiều thói xấu khác chính là hệ quả của thói xấu này.

Tôi tiếp xúc với sinh viên hằng ngày và thật sự lo lắng bởi nhiều người trẻ sống rất thờ ơ, vô trách nhiệm. Các bạn đi học muộn, vào lớp thì lướt Facebook, làm bài thì đối phó, không cố gắng hết sức, rời khỏi lớp vẫn bỏ rác lại trong ngăn bàn. Khi làm bài tập nhóm, điểm cho cả tập thể nhưng chỉ một số bạn làm thực sự số còn lại chỉ ngồi không, dựa dẫm.

Nhiều bạn trẻ không màng việc phải giữ gìn uy tín. Các bạn mượn tiền người khác rồi không trả, hẹn nộp bài nhưng lại xin dời thời hạn. Họ sống cho qua ngày, không nỗ lực, vô trách nhiệm với tương lai của mình. Với chính mình các bạn còn như vậy thì làm sao các bạn có trách nhiệm với người khác, rồi sau này khi ra đời làm việc sẽ ra sao?

Chúng ta đã thấy nhiều cán bộ vô trách nhiệm, vô cảm với nỗi bức xúc của người dân. Thói vô trách nhiệm khiến chúng ta bực bội trước những chuyện vặt hằng ngày và đau xót trước những chuyện quốc gia đại sự.

Nền giáo dục khuyết giá trị sống

Làm sao để giải thích thỏa đáng về sự hình thành thói vô trách nhiệm đó, thưa bà?

+ Căn cơ gốc rễ là do giáo dục, bao gồm cả nền giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Nói thẳng, nói thật với nhau, bao nhiêu năm qua nền giáo dục của chúng ta là dạy để học, học để thi, thi để có bằng, thi để làm quan. Nền giáo dục của chúng ta không chú trọng việc dạy giá trị sống. Đây là điều quan trọng nhất, nhân bản nhất nhưng nền giáo dục của chúng ta lại đang khuyết.

Các bạn trẻ thể hiện sự quan tâm của mình theo cách "like" và "thả tim" trên mạng xã hội ảo. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ, thầy cô đều tự hào có những đứa trẻ lanh lợi, thông minh trước tuổi ít ai nhận ra dạy con trẻ biết yêu thương bản thân mình, biết yêu thương mọi người xung quanh, biết che chở em bé hơn mình quan trọng hơn rất nhiều.

Tôi quan sát những lớp kỹ năng sống thấy có rất nhiều điều đáng lo. Các lớp kỹ năng cũng vẫn chú trọng nhồi nhét thêm kiến thức, kỹ năng thực hành chứ không dạy giá trị sống. Khi có giá trị sống làm nền tảng, các kỹ năng hình thành sẽ xoay quanh hệ giá trị đó, trẻ sẽ phát triển tốt đẹp và nhân ái. Không có giá trị sống, kỹ năng chỉ là cái ngọn, không có cái gốc.

Dạy và học về tình yêu thương từ tấm bé

Vậy đâu là giải pháp để khắc phục thói vô trách nhiệm cũng như nhiều thói hư tật xấu khác?

+ Căn nguyên từ giáo dục thì giải pháp cũng phải từ giáo dục. Giáo dục phải chú trọng xây dựng giá trị sống cho con trẻ. Mà giá trị quan trọng nhất là yêu thương bản thân và yêu thương mọi người.

Khi các em biết cách yêu thương mình, sẽ biết cách yêu thương mọi người, từ đó nâng đỡ bảo vệ người khác, có trách nhiệm với cuộc đời mình. Có nền tảng đó, khi lớn lên các em sẽ không thể làm ra thực phẩm bẩn đầu độc người khác, sẽ không vô cảm trước những mất mát của đồng bào.

TS Thúy là chuyên gia tư vấn tâm lý, chuyên gia dạy kỹ năng sống, tác giả nhiều đầu sách về giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.

Các nền giáo dục tiên tiến đều chú trọng phát triển nhân cách trước hết, với nền tảng cốt lõi là sự yêu thương, bao dung, cùng chung sống chan hòa.

Chúng ta hay nói tới đổi mới giáo dục, đi tìm triết lý cho nền giáo dục. Chúng ta loay hoay mãi vì chúng ta vẫn cứ bị cuốn theo thành tích, bị ám ảnh bởi địa vị, bằng cấp đó thôi.

Xã hội đang thay đổi rất nhanh. Nếu nhà trường và gia đình không thay đổi kịp thì chúng ta sẽ phải chứng kiến thêm một thế hệ nhiều người trẻ vô trách nhiệm với nền tảng giáo dục bị khuyết lủng lỗ chỗ. Đó là lỗi của người lớn chúng ta.

. Xin cám ơn bà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm