Nguồn cát duy nhất cho dự án trục ngang qua Hậu Giang không còn

(PLO)- Theo UBND tỉnh Hậu Giang, nguồn cát duy nhất của dự án thành phần 3 không còn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo với HĐND tỉnh Hậu Giang về tình hình triển khai thực hiện dự án thành phần 3 (thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1), UBND tỉnh này cho biết tính đến cuối tháng 11, dự án đang chậm khoảng 10% so với kế hoạch. Nguyên nhân chậm là do còn khó khăn về nguồn vật liệu cát.

Nguồn cát duy nhất thi công dự án trục ngang qua tỉnh Hậu Giang không còn
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết nguồn cát duy nhất của dự án thành phần 3 không còn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của dự án. Ảnh: CHÂU ANH

Cụ thể, dự án thành phần 3 được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác một mỏ cát với trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3, công suất khai thác là 3.750 m3/ngày. Tuy nhiên từ tháng 9-2024, mỏ cát này đã được điều chuyển sang cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khai thác đến hết năm 2024. Do đó, nguồn cát duy nhất của dự án không còn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công.

“Nếu lấy từ các mỏ thương mại với giá cao thì nhà thầu khó có thể kham nổi vì số lượng quá lớn. Cụ thể, với khối lượng khoảng 6 triệu m3 và giá chênh lệch khoảng 120.000 đồng/m3 thì đội chi phí lên khoảng 720 tỉ đồng, chiếm khoảng 13% giá trị hợp đồng” - báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang thể hiện.

Trước khó khăn trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre để đề nghị hỗ trợ nguồn vật liệu cát. Tuy nhiên, mỏ cát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng lẫn nhiều bùn không thể khai thác. Riêng mỏ cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre do vướng quy hoạch tỉnh nên phải làm thủ tục điều chỉnh, dự kiến đến cuối tháng 12-2024 mới có thể khai thác.

Một lý do khác mà UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng ảnh hưởng đến tiến độ của dự án là tỉnh Hậu Giang nằm trên nền đất tự nhiên rất yếu, phải xử lý kỹ thuật nền đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc nên tốn rất nhiều thời gian.

Cạnh đó, phải làm theo trình tự, không thể rút ngắn thời gian trong quá trình xử lý kỹ thuật. Đồng thời vào quý IV hàng năm, trên địa bàn tỉnh thường có nước dâng cao, điều này cũng gây bất lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Nguồn cát duy nhất thi công dự án trục ngang qua tỉnh Hậu Giang không còn
Nút giao cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: BT

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 188km. Điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91 thuộc địa bàn tỉnh An Giang; điểm cuối kết nối với Quốc lộ Nam Sông Hậu (dự kiến giao với đường dẫn vào cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).

Dự án đi qua bốn địa phương gồm các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ, được phân chia thành bốn dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 được phân cấp cho UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản, Sở GTVT làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 có chiều dài hơn 36,6km, điểm đầu giao với dự án thành phần 2 tại xã Trường Long A (huyện Châu Thành A); điểm cuối giao với dự án thành phần 4 tại thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp).

Dự án thành phần 3 được chia thành hai gói thầu xây lắp để tổ chức triển khai. Trong đó, gói thầu số 1 khởi công ngày 17-6-2023; gói thầu số 2 khởi công ngày 29-11-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm