Cấp tốc đưa 7 triệu m3 cát về thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Cấp tốc đưa 7 triệu m3 cát về thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

(PLO)- Để đảm bảo hoàn thành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì công tác đắp cát gia tải phải hoàn thành trong năm 2024.

Theo báo cáo về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), Ban quản lý (BQL) dự án Mỹ Thuận cho biết tính đến ngày 21-9 toàn dự án còn chậm 15% so kế hoạch đề ra.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau còn chậm 15% so kế hoạch
Cụ thể, phần tuyến chính đã xử lý đất yếu theo phương án gia tải là 91,4 km. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là 31,35 km và đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 60 km. Cạnh đó, đã cắm bấc thấm được 58 km, đạt 63% so với kế hoạch.
thi-cong-cao-toc-can-tho-ca-mau-1.jpg
Còn đối với phần cầu, nhà thầu đang triển khai thi công 117 cầu trên toàn tuyến. Trong đó, có 28 cầu đã xong bản mặt cầu, cơ bản đáp ứng tiến độ.
thi-cong-cao-toc-can-tho-ca-mau-11.jpg
Để đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác đắp cát gia tải phải hoàn thành trong năm 2024, với khối lượng cát khoảng 7 triệu m3.
thi-cong-cao-toc-can-tho-ca-mau-13.jpg
Do đó, BQL dự án Mỹ Thuận đã đưa ra một số giải pháp và yêu cầu đối với nhà thầu. Cụ thể, yêu cầu nhà thầu lấy toàn bộ nguồn cát sông có thể lấy đến hết năm 2024 (khoảng 4,4 triệu m3), để tập trung thi công các đoạn đang đắp gia tải đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và gói thầu XL-01 đoạn Hậu Giang - Cà Mau.
thi-cong-cao-toc-can-tho-ca-mau-15.jpg
Đối với khoảng 2,6 triệu m3 cát còn thiếu, BQL yêu cầu nhà thầu đoạn Hậu Giang - Cà Mau lấy nguồn cát biển để thi công. Theo đó, dự kiến công suất khai thác là 19.000 m3, công suất về công trường trung bình 12.000 m3/ngày. Và dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ đưa về được khoảng 1 triệu m3 cát biển về công trường.
thi-cong-cao-toc-can-tho-ca-mau-14.jpg
Còn lại khoảng 1,6 triệu m3 cát còn thiếu, sau khi đã mang tối đa 1 triệu m3 cát biển về công trường, BQL dự án Mỹ Thuận yêu cầu nhà thầu tiếp tục làm việc với UBND hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang để bổ sung thêm nguồn cát sông. Trong đó, dự kiến tỉnh Tiền Giang sẽ cấp bổ sung khoảng 0,6 triệu m3, tỉnh Bến Tre sẽ cấp bổ sung khoảng 1 triệu m3.
thi-cong-cao-toc-can-tho-ca-mau-3.jpg
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110 km, đi qua địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng, do BQL dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT làm chủ đầu tư), được chia thành hai dự án thành phần. Đó là dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, chiều dài hơn 37 km và dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, chiều dài hơn 73 km.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, báo cáo của BQL dự án Mỹ Thuận cho thấy hiện toàn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện còn vướng một hộ dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, dự kiến cưỡng chế trong tháng 9-2024.

Cạnh đó, còn vướng khoảng 200 m trên địa bàn TP Cần Thơ do bị bãi rác chắn ngang tại tuyến nối IC2 - Quốc lộ 1, dự kiến hoàn thành di dời trong tháng 11-2024.

Đọc thêm