Bí thư tỉnh Hậu Giang: 2 dự án cao tốc sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới rất lớn cho tỉnh

(PLO)- Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ tận dụng lợi thế các nút giao với đường cao tốc, từ nay đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang sẽ có ba khu công nghiệp kết nối và một khu du lịch là Lung Ngọc Hoàng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ở thời điểm hiện tại, tỉnh Hậu Giang đang có lợi thế rất lớn về cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt, tỉnh sắp có hơn 100km đường cao tốc với bảy nút giao liên thông. Một điều quan trọng hơn nữa đó là hai cao tốc trục ngang và trục dọc “gặp nhau” trên địa bàn tỉnh, đây là yếu tố mà không phải địa phương nào cũng có.

Thủ tướng kiểm tra cao tốc qua tỉnh Hậu Giang
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính tận dụng lợi thế các nút giao với đường cao tốc, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ có ba khu công nghiệp kết nối và một khu du lịch là khu Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: CHÂU ANH

Cụ thể, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, có chiều dài gần 111km, đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang là 63,6km. Còn dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (cao tốc Đông - Tây) có chiều dài hơn 188km, đi qua tỉnh Hậu Giang gần 37km.

Mới đây, trong chuyến kiểm tra thực tế công tác tổ chức thi công của hai dự án trên đại bàn tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các địa phương phải biết tận dụng lợi thế, có quy hoạch kết nối vào các nút giao của cao tốc. Từ đó, khi cao tốc hoàn thành thì các tỉnh có thể khai thác ngay hệ thống đường giao thông kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phấn khởi chia sẻ tỉnh tận dụng lợi thế các nút giao với đường cao tốc, từ nay đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có ba khu công nghiệp kết nối và một khu du lịch là khu Lung Ngọc Hoàng. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định tỉnh đã có quy hoạch và khi hai dự án đưa vào hoạt động sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới rất lớn cho tỉnh.

Để góp phần cho việc phát góp phần phát triển kênh Xà No và kết nối với hiệu quả hơn với TP Cần Thơ, người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang đã kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính cho chủ trương để bổ sung thêm một nút giao tiếp giáp TP Cần Thơ và phía Bắc kênh Xà No tại khu vực đường tỉnh 929.

thu-tuong-pham-minh-chinh-kiem-tra-cao-toc-tinh-hau-giang-16.jpg
Tại buổi kiểm tra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối tuyến cao tốc trục dọc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ tạo dư địa cho địa phương phát triển rất lớn. Ảnh: CHÂU ANH

“Tại vị trí đề xuất đầu tư nút giao là huyện đông dân nhất của tỉnh Hậu Giang, cuộc sống của người dân còn khó khăn. Ngoài ra, nút giao này cách khu du lịch Lung Ngọc Hoàng khoảng 10km, vì vậy việc đầu tư này có ý nghĩa hết sức quan trọng; góp phần cho sự phát triển kinh tế của huyện nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung” - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết thêm.

Đối với kiến nghị đầu tư thêm nút một nút giao tại dự án thành phần 3, thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ GTVT phối hợp với địa phương để triển khai thực hiện. Có ý kiến tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay Bộ cơ bản thống nhất với đề xuất của địa phương. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cân đối nguồn kinh phí để triển khai thực hiện theo đề xuất.

Trong bản Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang đã xác định năm đột phát chiến lược là “một tâm - hai tuyến - ba thành - bốn trụ - năm trọng tâm”. Trong đó, “hai tuyến” chính là hai tuyến hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với các tỉnh nam sông Hậu. Từ đó, hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Tiến độ hai cao tốc qua địa bàn tỉnh Hậu Giang

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: Theo báo cáo của BQL dự án Mỹ Thuận, đến nay, tiến độ của dự án đạt hơn 34%, chậm khoảng 14% so với kế hoạch, do còn thiếu hụt về nguồn cát.

thu-tuong-pham-minh-chinh-kiem-tra-cao-toc-tinh-hau-giang-17.jpg
Công nhân thi công trên công trường của dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: CHÂU ANH

Đối với 4/2.067 hộ bị ảnh hưởng chưa bàn giao mặt bằng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định ngành chức năng tỉnh đã làm việc cụ thể với các hộ này và sẽ bàn giao mặt bằng trong cuối tháng 7-2024. Tỉnh Hậu Giang cũng đã xây dựng hoàn thành bốn khu tái định cư, với khoảng 703 nền, để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án.

- Dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Đến nay, đã bàn giao mặt bằng với diện tích là 257/260ha, đạt trên 98,83%. Còn 18 hộ tương đương khoảng 3ha, tỉnh Hậu Giang đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp khẩn trương giải quyết dứt điểm trong tháng 7-2024.

Về công tác thi công, tổng giá trị thực hiện của cả hai gói thầu xây lắp đến thời điểm này là 819 tỉ đồng, đạt 14,35% giá trị hợp đồng, chậm 26% so với kế hoạch dự kiến. Hiện, nhà thầu đã triển khai hơn 40 mũi thi công để triển khai các hạng mục, như: đắp cát thi công tuyến chính, thi công các cầu trên tuyến, thi công đường công vụ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm