Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đừng để các nhà thầu cô đơn trên công trường

(PLO)- Kết luận tại buổi làm việc thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thường xuyên quan tâm, kiểm tra, động viên các lực lượng thi công, đừng để các nhà thầu cô đơn trên công trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương vùng để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL

Sau khi nghe các đơn vị trình bày những khó khăn vướng mắc trong việc phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm, cố gắng hoàn thành khoảng 500-600 km cao tốc tại ĐBSCL trong nhiệm kỳ này. Việc này mang ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, 80 năm Quốc khánh và chào mừng Đại hội XIV của Đảng;

ha-tang-giao-thong-dbscl.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương vùng để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL

Để hoàn thành mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục mở rộng các mỏ nguyên vật liệu đã có và triển khai nhanh các thủ tục để mở các mỏ mới cung cấp nguyên vật liệu cho dự án.

Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh miền Đông hỗ trợ miền Tây về đá, còn các tỉnh miền tây hỗ trợ các tỉnh miền Đông về cát.

Về thi công, Thủ tướng nhắc lại phương châm "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để lấy lại thời gian, tiến độ bị chậm và phấn đấu vượt tiến độ. Từ đó Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu huy động nhân lực, trang thiết bị để làm việc "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm".

thu-tuong-pham-minh-chinh-ket-luan.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: HD

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã và nhân dân, doanh nghiệp vào cuộc, thường xuyên quan tâm, kiểm tra, động viên các lực lượng thi công, hỗ trợ về ăn ở, nhân công; đừng để các nhà thầu cô đơn trên công trường.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chăm lo, bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

Cần Thơ xin được thí điểm tro xỉ, cát biển

Báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết hiện nay địa phương đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc, còn tỉ lệ rất thấp và trong tháng 7 này sẽ giải quyết dứt điểm đối với 15 trường hợp còn lại.

Nhờ sự giúp đỡ của các địa phương trong vùng đến nay vật liệu san lắp cho các dự án cao tốc qua địa bàn đã đảm bảo. TP sẽ chỉ đạo hỗ trợ các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án để bù lại khoảng thời gian chậm tiến độ do thiếu cát san lắp.

Theo Bí thư TP Cần Thơ, bên cạnh cao tốc thì trên địa bàn TP cũng triển khai nhiều dự án trọng điểm của địa phương do nhu cầu vật liệu xây dựng rất lớn. Cụ thể Cần Thơ đã quy hoạch hơn 6.000 ha để phát triển công nghiệp, khu công nghiệp tiếp cận với các tuyến cao tốc, mở ra không gian phát triển mới, tích cực. Tính đến năm 2026-2027 nhu cầu cát san lắp của Cần Thơ lên đến 20 triệu khối từ các công trình giao thông, công nghiệp, thương mại đến cả logistic.

bi-thu-tp-can-tho.jpg
Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu

Bí thư TP Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu nguồn vật liệu san lắp, để có sự chủ động.

"Nếu làm xong cao tốc nhưng các công trình khác không thực hiện được thì không có động lực phát triển, đồng bộ được. Đồng thời TP Cần Thơ xin được làm thí điểm liên quan đến việc sử dụng tro xỉ hoặc cát biển. Cần Thơ hiện diễn ra sạt lở rất nhiều, mùa mưa hay mùa khô đều xảy ra sạt lở, không thể nào tiếp tục lấy cát sông nữa. Việc thí điểm này sẽ chỉ thực hiện trong phạm vi giới hạn để kiểm soát. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thực hiện nếu được phép", ông Hiếu nói.

Về đề nghị xin thí điểm của Cần Thơ, kết luận cuộc làm việc Thủ tướng Phạm Minh Chính nói "đồng ý về nguyên tắc" và chỉ đạo Bộ GTVT, TN&MT hướng dẫn cho TP.Cần Thơ triển khai thực hiện.

Bên cạnh cao tốc đường bộ, Cần Thơ cũng mong muốn thời gian tới Bộ GTVT tham mưu Thủ tướng hết sức quan tâm cho dự án đường sắt cao tốc kết nối TP.HCM - Cần Thơ. "Tuyến đường sắt cũng là một trong tuyến có năng lực cạnh tranh kinh tế rất cao. Cùng với đó tập trung phát triển đường thuỷ vốn là lợi thế tự nhiên quan trọng của vùng ĐBSCL sẽ tạo không gian phát triển đồng bộ, kết nối giao thương thông suốt, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng".

Thấy rõ tiềm năng, lợi thế của tuyến đường thuỷ, ông Hiếu cho biết hiện Cần Thơ đang tập trung phát triển Cái Cui và Thốt Nốt (được xem là 2 cảng trung tâm của vùng ĐBSCL) có thể trung chuyển hàng hoá, tiếp nhận sà lan lớn. Ngoài ra Cần Thơ cũng bổ sung quy hoạch cảng Ô Môn (nằm ở cụm nhiệt điện năng lượng Ô Môn), đây cũng sẽ là cảng chiến lược trong tương lai, có thể nhập các nguồn dầu khí, hoá lỏng.

Kiến nghị đổi giờ khai thác cát

Nói về tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết rất gấp. Bởi dự án đang vướng thêm vấn đề khai thác, vận chuyển cát.

ha-tang-giao-thong-dbscl-bo-gtvt.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Hiện nay, theo Nghị định 23 của Chính phủ chỉ được khai thác cát từ 7h - 17h. Tuy nhiên khối lượng của tuyến này trong ba tháng tới rất lớn, một ngày cần khoảng 70.000 - 80.000 m3. Do đó Bộ trưởng Bộ GTVT xin Thủ tướng ban hành nghị quyết đổi lại thành 7h - 19h để tạo thêm điều kiện để vận chuyển.

Về đề xuất tăng thời gian khai thác, vận chuyển cát, Thủ tướng cho biết sẽ xem xét, thậm chí cho thêm nhiều thời gian hơn đề xuất.

Đối với vấn đề khai thác, sử dụng cát biển, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định quy trình khai thác, quản lý thì không một hạt cát nào lọt qua được các tỉnh và ban quản lý dự án.

“Hoá đơn xuất ngay tại lúc khai thác và được đối chiếu giữa các bên, ban quản lý dự án cũng căn cứ vào hóa đơn này để tiếp nhận và làm các thủ tục thanh toán sau này. 100% mỏ cát này cấp cho nhà thầu khai thác, không có nhà thầu phụ nào cả", Bộ trưởng khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm