Dùng cát biển làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

(PLO)- Theo Bộ GTVT, kết quả thí điểm cho thấy cát biển đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật làm nền đường ô tô nhưng để có thêm cơ sở đánh giá cần tiếp tục thí điểm ở cấp đường cao hơn là dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện một số dự án xây dựng đường bộ cao tốc đang thiếu cát đắp nền. Đặc biệt ở bốn dự án đang triển khai ở khu vực ĐBSCL gồm các cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh, với tổng chiều dài 355 km, cần khoảng 53,68 triệu m3 cát.

Họp liên tục nhưng “kết quả không như mong đợi”

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết để dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau về đích trong tháng 6-2025 cần khoảng 90.000 m3 cát đất đắp/ngày. Tuy nhiên, hiện công suất khai thác mới đạt 19.000 m3/ngày.

Tính đến nay, tỉnh An Giang đã xác định hơn 6 triệu m3 cát cho dự án, còn 0,9 triệu m3 chưa xác định được nguồn. Tỉnh Đồng Tháp xác định được nguồn cho 7 triệu m3, trong đó hoàn thiện thủ tục để khai thác 4,37 triệu m3. Tỉnh Vĩnh Long cũng xác định được nguồn 2,95 triệu m3, hoàn thành thủ tục cấp 0,5 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục đối với ba mỏ có trữ lượng 2,45 triệu m3, còn hơn 2 triệu m3 chưa tìm được nguồn.

Ban quản lý (BQL) dự án Mỹ Thuận cho biết thường xuyên làm việc với cơ quan chức năng địa phương về nguồn cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuy nhiên kết quả không như mong đợi. “Theo kế hoạch, năm 2023, dự án phải lấy được 9 triệu m3 cát nhưng đến hết năm, tổng khối lượng cát về công trường chỉ được khoảng 2 triệu m3” - ông Trần Văn Thi, Giám đốc BQL dự án Mỹ Thuận, nói.

Còn tại dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 188 km, cũng trong tình trạng khởi công xong rồi… để đó vì thiếu cát. Thậm chí, nhà thầu phải “mót” từng xe cát, đắp từng mét đường công vụ để vào công trường thi công.

Với nhu cầu 31,3 triệu m3 cát đắp nền, các địa phương được giao làm chủ đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã chỉ đạo những đơn vị trực thuộc tăng công suất khai thác cát, hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ cát nhưng vẫn không đủ. Vì vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa đề nghị Trung ương hỗ trợ các thủ tục để lấy cát biển làm cao tốc nhằm đa dạng nguồn cung.

Tuyến đường tỉnh 978, dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được thí điểm sử dụng cát biển đắp nền. Ảnh: CHÂU ANH
Tuyến đường tỉnh 978, dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được thí điểm sử dụng cát biển đắp nền. Ảnh: CHÂU ANH

Mở rộng thí điểm cát biển

Trước tình trạng thiếu cát làm chậm tiến độ các dự án, ngày 29 và 30-1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang, đề nghị lãnh đạo hai tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan sớm hoàn tất thủ tục khai thác hai mỏ cát để cung ứng ngay trong tháng 2 cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Về nguồn cát biển, đại diện Bộ GTVT cho biết đã báo cáo Thủ tướng kết quả sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng. Theo đó, ngành đã triển khai thí điểm sử dụng cát biển đắp nền trên tuyến đường tỉnh 978 (ĐT.978), dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Hiện dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 8-2023.

Theo báo cáo của BQL dự án Mỹ Thuận, kết quả theo dõi, đánh giá trong quá trình thi công và quan trắc trong giai đoạn khai thác đến nay cho thấy mẫu cát biển có các chỉ tiêu môi trường nằm trong giới hạn cho phép; chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo quy định; hàm lượng chỉ tiêu kim loại nặng trong đất nằm trong giới hạn cho phép.

“Mặc dù khu vực nền đắp trên đất yếu nhưng kết quả quan trắc độ ổn định đến hết tháng 11-2023 đều đảm bảo theo các yêu cầu thiết kế, tốc độ lún không có dấu hiệu bất thường; độ chuyển dịch ngang rất nhỏ không đáng kể, nền đường có độ ổn định bình thường…” - Bộ GTVT cho hay.

Trên kết quả thí điểm hiện trường, ngày 20-12-2023, Hội đồng cấp bộ tổ chức họp đánh giá. Qua đó cho thấy cát biển ở hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật làm nền đường ô tô. Tuy nhiên, dự án thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, quy mô thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng, vật nuôi chưa đầy đủ. Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng việc sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ô tô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng để có kết quả đánh giá một cách toàn diện…

Trên cơ sở kết quả tổ chức thi công, đánh giá kết quả thí điểm của Bộ GTVT và dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản của Bộ TN&MT, Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, UBND tỉnh Sóc Trăng triển khai các thủ tục giao mỏ cát biển khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng cho các nhà thầu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Các nhà thầu tổ chức khai thác theo cơ chế đặc thù, phục vụ triển khai thi công thí điểm mở rộng trên một số đoạn tuyến phù hợp nhằm cung cấp nguồn vật liệu cát đắp theo tiến độ yêu cầu của các dự án hiện nay. Đồng thời, để có cơ sở áp dụng rộng rãi cho các khu vực có điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường khác nhau.

Song song đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thực hiện “Nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng”. “Trong đó, bộ sẽ tập trung thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý, hóa học của cát biển tại một số khu vực khác như Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và tổ chức thi công thí điểm tại một số dự án các khu vực này, đồng thời hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức… để áp dụng.” - đại diện Bộ GTVT cho hay.•

Cát biển ở tỉnh Sóc Trăng đủ điều kiện làm đường

Bộ TN&MT đã hoàn thành đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, cát biển có điều kiện khai thác khả thi khu vực này là 825 triệu m3, nằm cách bờ khoảng 20 km.

Đánh giá về cơ bản, các chỉ tiêu cát biển vùng biển gần bờ của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường cao tốc theo quy định của TCVN 9436:2012.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm