Ngày 3-10, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về kiến nghị do Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện bang Florida - ông Matt Gaetz đệ trình bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.
Tỉ lệ bỏ phiếu là 216 thuận/210 chống, trong đó 8 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, gồm ông Gaetz, cùng tất cả hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy, theo đài CNN.
Theo đó, ông McCarthy chính thức bị bãi nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch Hạ viện sau 269 ngày giữ chức.
Bình luận về vụ việc trên, tờ The Guardian mô tả: “Chỉ cần một kiến nghị dài một trang để nghị sĩ Matt Gaetz, một đảng viên bảo thủ thuộc đảng Cộng hòa, khởi động một động thái chưa từng có trong lịch sử quốc hội Mỹ: bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện”.
Vậy nguồn cơn nào khiến nội bộ đảng Cộng hòa chia rẽ đến mức thành viên trong đảng đệ trình kiến nghị bãi nhiệm ông McCarthy?
Nguồn cơn khiến Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị bãi nhiệm?
Căng thẳng giữa ông McCarthy và phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa diễn ra trong nhiều tháng qua và đỉnh điểm là vào ngày 3-10 khi ông Gaetz đệ trình kiến nghị bãi nhiệm ông McCarthy.
Trước đó, sau kỳ bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, vào tháng 1-2023, ông McCarthy đã phải vất vả thỏa hiệp với những nhà lập pháp bảo thủ trên để được nắm chức chủ tịch Hạ viện sau 15 vòng bỏ phiếu. Đổi lại, ông McCarthy đồng ý với một yêu cầu được cho là khá mạo hiểm và yêu cầu này dẫn tới việc ông bị bãi nhiệm hôm 3-10.
Theo thỏa thuận, bất kỳ nhà lập pháp nào trong nhóm này cũng có thể đệ trình lên Hạ viện kiến nghị bãi nhiệm ông McCarthy nếu không hài lòng việc ông làm.
Xung đột giữa ông McCarthy và phe bảo thủ leo thang sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời do ông McCarthy đề xuất nhằm ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “State of the Union” của đài CNN hôm 1-10, ông Gaetz cho biết ông sẽ đệ trình lên Hạ viện kiến nghị bãi nhiệm ông McCarthy với cáo buộc ông McCarthy hợp tác với đảng Dân chủ về dự luật trên.
“Chủ tịch Hạ viện McCarthy đạt được một thỏa thuận với những người bảo thủ trong Hạ viện vào tháng 1, nhưng kể từ đó ông ấy vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận một cách trắng trợn và nhiều lần” - ông Gaetz nói.
Hạ nghị sĩ bang Florida cũng cáo buộc ông McCarthy nói dối trong các cuộc đàm phán về dự luật tạm thời.
Quy trình đệ trình kiến nghị bãi nhiệm?
Kiến nghị bãi nhiệm là thủ tục để Hạ viện loại bỏ chủ tịch của cơ quan này. Theo quy định hiện hành của Hạ viện, một thành viên bất kỳ đảng nào (dù là Cộng hòa hay Dân chủ) cũng có thể đưa ra kiến nghị bãi nhiệm. Kiến nghị bãi nhiệm nếu do một đảng viên Cộng hoà đệ trình thì phải được đa số đảng viên Cộng hoà tại Hạ viện đồng ý mới được đưa ra toàn thể Hạ viện bỏ phiếu, tương tự với đảng Dân chủ. Một khi kiến nghị được Hạ viện bỏ phiếu, sẽ chỉ cần đa số đơn giản để thông qua.
Theo thỏa thuận mà ông McCarthy đạt được với phe bảo thủ trong đảng, một thành viên của nhóm này có thể trình thẳng kiến nghị bãi nhiệm lên Hạ viện mà không cần thông qua sự ủng hộ đa số trong đảng trước khi Hạ viện bỏ phiếu. Điều này hoàn toàn trái ngược với quy định được áp dụng dưới thời người tiền nhiệm của ông McCarthy là bà Nancy Pelosi.
Cuối ngày 2-10, ông Gaetz đệ trình lên Hạ viện kiến nghị bãi nhiệm ông McCarthy khỏi chức vụ Chủ tịch Hạ viện Mỹ, kích hoạt quá trình Hạ viện họp bàn và bỏ phiếu về kiến nghị.
Theo đài CNN, trước khi Hạ viện Mỹ thảo luận và bỏ phiếu về kiến nghị của ông Gaetz, các hạ nghị sĩ sẽ bỏ phiếu về khả năng trì hoãn đưa kiến nghị này ra bỏ phiếu.
Tuy nhiên, tỉ lệ bỏ phiếu trì hoãn bỏ phiếu bãi nhiệm là 218 phiếu chống/208 phiếu thuận, trong đó 11 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng tất cả hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu chống. Vòng bỏ phiếu này mở đường cho cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện.
Ngay sau đó, các hạ nghĩ sĩ có một giờ để tranh luận về kiến nghị bãi nhiệm và tiếp đó là bỏ phiếu cho kiến nghị. Kết quả bỏ phiếu là 216 thuận/210 chống, ông McCarthy bị bãi nhiệm, trở thành Chủ tịch Hạ viện đầu tiên bị bãi nhiệm trong lịch sử nước Mỹ.
Ông McCarthy sẽ không tranh cử chủ tịch Hạ viện lần nữa
Họp báo ngay sau khi bị bãi nhiệm khỏi chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông McCarthy thông báo ông sẽ không tranh cử chức chủ tịch Hạ viện lần nữa, theo đài CNN.
“Có thể hôm nay tôi để mất phiếu nhưng tôi đã đấu tranh cho những gì tôi tin tưởng và tôi tin vào nước Mỹ. Thật vinh dự khi được phục vụ” - ông McCarthy cho hay.
Ông McCarthy nói rằng mặc dù không còn là Chủ tịch Hạ viện nhưng ông không hối hận về những lựa chọn dẫn đến việc ông bị bãi nhiệm.
“Tôi không hối hận vì đã đứng lên lựa chọn quản trị thay vì than phiền. Đó là trách nhiệm của tôi, đó là công việc của tôi. Tôi không hối hận khi đàm phán. Chính phủ của chúng ta được thiết kế để tìm kiếm sự thỏa hiệp. Tôi không hối hận vì nỗ lực xây dựng liên minh và tìm kiếm giải pháp. Tôi được nuôi dạy để giải quyết vấn đề chứ không phải tạo ra chúng” - ông McCarthy phát biểu.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện bang California cũng cho biết trở thành Chủ tịch Hạ viện là "một trong những vinh dự lớn nhất" và ông rời vị trí này với "cảm giác tự hào, thành tựu và cả sự lạc quan".
Ông McCarthy nói rằng ông đã “chấp nhận rủi ro” vào tuần trước khi thiết kế thành công nỗ lực lưỡng đảng vào phút cuối nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.
Trong diễn biến mới nhất, Hạ nghị sĩ Matt Gaetz và Hạ nghị sĩ Bob Good (đều thuộc đảng Cộng hòa) cho biết Hạ viện dự kiến sẽ họp để bầu tân chủ tịch vào tuần sau.
3 lần kiến nghị bãi nhiệm từng được đưa ra hoặc nhắc tới
Theo Cơ quan lưu trữ Hạ viện Mỹ, trước kiến nghị bãi nhiệm ông McCarthy, Hạ viện đã ghi nhận 3 lần kiến nghị bãi nhiệm được đưa ra hoặc được nhắc tới, theo tờ The Guardian.
Đầu tiên, vào năm 1910 Chủ tịch Hạ viện Joseph Cannon (thuộc đảng Cộng hòa) tự đưa ra kiến nghị bãi nhiệm chính ông để buộc những người gièm pha trong đảng của ông phải quyết định xem họ có ủng hộ ông hay không. Kiến nghị này đã thất bại khi không nhận đủ đa số phiếu để bãi nhiệm ông Cannon.
Thứ hai, vào năm 1997 một số hạ nghị sĩ trong đảng Cộng hòa đe dọa sẽ đề xuất kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich (thuộc đảng Cộng hòa). Dù cố gắng giảm bớt sự phản kháng trong đảng cũng như tránh được việc kiến nghị bãi nhiệm đưa ra Hạ viện, nhưng ông Gingrich đã từ chức vào năm 1998 sau kết quả đáng thất vọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm đó.
Thứ ba, vào năm 2015 Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mark Meadows đệ trình kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện John Boehner (thuộc đảng Cộng hòa). Cuối cùng cuộc bỏ phiếu thông qua kiến nghị bãi nhiệm không được diễn ra. Tuy nhiên ông Boehner đã từ chức vài tháng sau đó, với lý do gặp những thách thức trong việc quản lý phe bảo thủ theo đường lối cứng rắn đang gia tăng trong đảng.