Nguyên Thứ trưởng Nội vụ: 'Liên thông, thống nhất công chức cấp xã với huyện, tỉnh'

(PLO)- Nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng khi Nhà nước đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ, công chức cấp xã thì cũng phải đánh giá đúng và có chế độ đãi ngộ phù hợp, nhất là về tiền lương.

Ngày 27-10, Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam tổ chức Hội thảo về chế độ công chức, công vụ và giải pháp hoàn thiện, thống nhất chế độ công vụ hiện nay.

Đánh giá đúng và có chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ, công chức cấp xã

Chủ trì Hội nghị, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết theo quy định hiện hành, để được bầu cử hoặc tuyển dụng vào cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã, công dân phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện về hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ... và phải qua bầu cử (đối với cán bộ cấp xã) hoặc qua kỳ tuyển dụng (đối với công chức cấp xã).

Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn.

Đối với CBCC từ cấp huyện trở lên, cơ chế bầu cử và thi tuyển cũng được thực hiện tương tự. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, nếu các cơ quan từ cấp huyện trở lên muốn điều động, tiếp nhận CBCC cấp xã, những người này phải có đủ một số tiêu chuẩn, điều kiện và phải qua hội đồng kiểm tra, sát hạch. Thực chất, theo ông Tuấn, đây giống như một kỳ thi nữa...

Kể cả trường hợp công chức đang làm ở cấp huyện trở lên được luân chuyển, điều động về xã, phường, thị trấn, khi quay trở lại các cơ quan, tổ chức ở cấp huyện trở lên, họ cũng phải trải qua kỳ kiểm tra, sát hạch.

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, mọi hoạt động của CBCC cấp xã, cấp huyện trở lên đều nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân - đều là các hoạt động công vụ- nhưng CBCC cấp xã không được bổ nhiệm và giao giữ một ngạch công chức; họ chỉ được xếp lương theo ngạch ứng với trình độ đào tạo....

“Những mâu thuẫn này dẫn đến nhiều băn khoăn trong đội ngũ CBCC làm việc ở xã, phường, thị trấn, làm suy giảm động lực làm việc, chưa tạo nên một nền công vụ thống nhất từ trung ương đến cấp xã”- theo ông Trần Anh Tuấn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính cũng chỉ ra một thực tế, khi đến giải quyết công việc ở xã, phường, thị trấn, dù đã cải cách hành chính rất nhiều nhưng thời gian thực hiện, kỹ năng giao tiếp và trách nhiệm của đội ngũ CBCC xã, phường, thị trấn vẫn còn hạn chế.

Đi khảo sát ở một số địa phương, dư luận vẫn cho rằng vẫn còn tình trạng phiền hà và làm mất thời gian của người dân diễn ra ở một số chính quyền cấp xã.

“Chúng ta hãy thử ra xã, phường, thị trấn nào đó, đừng nói mình là ai, làm ở đâu, có quen biết ai không, để đề nghị giải quyết một công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã thì sẽ biết ngay cần làm gì với đội ngũ công chức ở đó”- ông Trần Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông, nói đi cũng phải nói lại, chúng ta yêu cầu CBCC cấp xã phải liêm chính, trách nhiệm, tận tụy phục vụ người dân, nhưng ở góc độ khác, Nhà nước cũng phải có trách nhiệm đối với CBCC cấp xã.

“Nhà nước và chúng ta phải đánh giá đúng địa vị pháp lý, vai trò và có chính sách phù hợp, công bằng đối với CBCC làm việc ở xã, phường, thị trấn”- nguyên Thứ trưởng Nội vụ đặt vấn đề.

Cũng theo ông Tuấn, kể từ khi Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh CBCC được ban hành vào năm 2003, đến Luật CBCC năm 2008, sau 20 năm, chất lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đã được chuẩn hóa, hơn 90% có trình độ đại học. Khi Nhà nước đặt ra yêu cầu cao đối với họ thì cũng phải đánh giá cho đúng và có chế độ đãi ngộ phù hợp, nhất là về tiền lương.

“Đáng lý phải triển khai liên thông cách đây khoảng chục năm”

Nêu ý kiến, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Thành cho hay khi xây dựng Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Bộ Nội vụ đã tính đến việc liên thông. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, đối chiếu các quy định, tổng kết, thống kê, đánh giá cho thấy vấn đề năng lực, điều kiện thực tiễn của CBCC cấp xã chưa thể tương đồng với CBCC cấp huyện trở lên.

Tuy vậy, một số quy định của Nghị định đã bước đầu tiếp cận việc này, những vấn đề thực tiễn CBCC cấp xã đã đáp ứng được thì quy định liên thông. Ông Thành dẫn chứng quy định về tuyển dụng công chức cấp xã, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng được áp dụng như đối với CBCC cấp huyện trở lên.

Cạnh đó, tiêu chuẩn, trình độ của CBCC cấp xã từ sơ cấp, trung cấp đã nâng lên đại học, để bảo đảm chuẩn hóa về trình độ và phù hợp với tiêu chuẩn đối với ngạch bậc của CBCC cấp huyện.

Theo ông Thành, vướng nhất hiện nay của việc liên thông là trình độ đội ngũ cán bộ đoàn thể của cấp xã. Trong cán bộ đoàn thể cấp xã có cả những người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, đối tượng nhiều nhất là cựu chiến binh. Yêu cầu các đối tượng này phải đáp ứng các điều kiện đặt ra là rất khó khăn.

“Chúng tôi rất trăn trở làm thế nào để nâng chuẩn được trình độ, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ đoàn thể của cấp xã”- ông Thành bày tỏ.

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh

“Chúng ta vẫn lúng túng, chạy theo giải quyết vấn đề trước mắt, chưa giải quyết căn cơ. Từ khi mới vào làm công chức, chúng tôi đã được nghe những nguyên tắc căn bản của nền hành chính là thông suốt từ cơ sở đến trung ương, đi kèm theo đó là cơ chế chính sách tiền lương, thu nhập”- Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nói.

Ủng hộ việc liên thông CBCC cấp xã với cấp huyện và cao hơn để tạo nên một chế độ công vụ thống nhất, ông Minh nói điều này “là hoàn toàn phù hợp”.

“Cái gì dễ, chuẩn làm trước. Công chức có thể liên thông được, với cán bộ, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu”- Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nêu quan điểm.

Ông Minh cũng cho rằng vị trí, vai trò của công chức cấp xã là phải gần dân, sát dân, trực tiếp xử lý công việc của dân trên địa bàn, không nhất thiết vị trí nào cũng cần trình độ đại học. Thực tế có những vị trí nhân viên, phục vụ chỉ cần trình độ trung cấp, cao đẳng.

“Quan trọng là bố trí đúng người đúng việc và từng vị trí cần có những yêu cầu cụ thể. Việc bố trí, sử dụng phải phù hợp và có thể điều động, luân chuyển từ xã này sang xã kia, huyện này sang huyện kia”- theo ông Minh.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Tuyên Quang Vũ Ngọc Khánh cũng nhận định việc liên thông là cần thiết và “đáng lý phải triển khai cách đây khoảng chục năm”. Theo ông Khánh, đội ngũ CBCC cấp xã hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu về trình độ. “Tuyên Quang, dù là tỉnh miền núi, nhưng khoảng 88% cán bộ cấp xã có trình độ đại học”- ông Khánh nói.

Ngoài ra, ông Khánh cũng nhận định đội ngũ công chức cấp xã khi thực hiện liên thông có nhiều điểm thuận lợi. Còn đội ngũ cán bộ khi thực hiện liên thông sẽ khó khăn, cần có lộ trình và đối tượng này phải thực hiện sát hạch.

Đối với ý kiến đề nghị thực hiện cơ chế công chức liên thông, thống nhất phải theo lộ trình, ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm “lộ trình là kéo dài thời gian, gây ra chậm chạp”.

“Nên thay cũ đổi mới”- ông Tuấn nói và cho rằng cần tham mưu sửa đổi các quy định về CBCC theo hướng không phân biệt CBCC cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, nâng cao vị thế của CBCC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới