Bà Lê Thị Mai Liên, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), thành viên nhóm nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, vừa cho hay: Ngưỡng đánh thuế đối với nhà vẫn chưa chốt sẽ theo giá trị thị trường hay giá trị xây dựng, hoặc theo diện tích. Song nhà có giá trị xây dựng 700 triệu đồng đã được loại bỏ, không còn nêu trong nội dung dự án Luật Thuế tài sản. Điều này có nghĩa cơ quan soạn thảo đã bỏ ngưỡng đánh thuế nhà mức 700 triệu đồng và đang xây dựng dự thảo mới.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nói: “Cần phải minh định bản chất luật thuế này cũng như ngưỡng phải chịu thuế và thuế suất”.
Nên đánh thuế nhà giá trị từ 5 tỉ đồng
. Phóng viên: Một thành viên ban soạn thảo dự án luật thuế này mới đây nói đã bỏ ngưỡng 700 triệu đồng đối với nhà. Ông nghĩ sao?
+ Luật sư Trương Thanh Đức: Việc đánh thuế tài sản là cần thiết nhưng trước tiên cơ quan soạn thảo cần định danh chính xác. Nếu căn cứ vào đề xuất của Bộ Tài chính thì dường như nội dung của đề xuất chỉ tập trung đánh thuế nhà và đất. Nếu chỉ thu thuế đối với nhà ở và quyền sử dụng đất thì cần phải gọi đúng tên của luật là “Thuế nhà ở và quyền sử dụng đất” hay “Thuế bất động sản và quyền sử dụng đất”.
Theo tôi, nguyên tắc đầu tiên của sắc thuế này là: Không thể đánh vào mọi tài sản mà chỉ đánh vào loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu (đối với đất là quyền sử dụng). Thứ hai là đối với tài sản có giá trị tương đối lớn, hay nói nôm na là không đánh vào nhà nghèo mà chỉ đánh vào nhà giàu. Thứ ba là đánh vào người có khả năng nộp thuế.
Vì vậy, nếu chỉ đánh thuế vào nhà, đất thì nên tổng hợp toàn bộ giá trị nhà, đất theo giá thị trường mà một cá nhân sở hữu để đánh thuế. Mức khởi điểm, theo tôi từ 5 tỉ đồng là hợp lý. Mức này cao gấp nhiều lần so với đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính trước đó.
. Có cơ sở nào cho mức 5 tỉ đồng không, thưa ông?
+ Để có căn cứ lựa chọn một mức nào đó thì phải dựa trên kết quả nghiên cứu, phân tích một cách khoa học, hợp lý. Tuy nhiên, tôi cho rằng hiện nay người dân thành phố có một căn nhà, thậm chí hai căn nhà, tổng cộng cỡ chừng 3 tỉ đồng thì vẫn không phải là khá giả và nhiều khi vẫn chỉ là dân nghèo.
Nếu đánh thuế vào đối tượng này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của bà con vì rất nhiều trường hợp còn loay hoay với nhu cầu ăn uống, sức khỏe, học hành, giải trí tối thiểu. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu, thượng lưu hiện nay đang gia tăng rất nhanh và nhiều người sở hữu giá trị nhà, đất hàng chục, hàng trăm tỉ đồng trở lên.
Thuế tài sản thì phải nhằm vào người có nhiều tài sản. Tránh trường hợp người có 10 căn nhà nhưng nộp thuế lại thấp hơn người có một căn nhà. Có nghĩa là tránh đánh vào người nghèo như mong muốn của bộ trưởng Bộ Tài chính và cả xã hội.
Người dân mừng vì ban soạn thảo dự luật Thuế tài sản đã bỏ ngưỡng đánh thuế nhà mức 700 triệu đồng. Ảnh: HTD
Không nên đánh thuế kiểu cào bằng
. Có ý kiến đề nghị nên đánh thuế tài sản theo lũy tiến nhằm bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao?
+ Tôi cho rằng cần đánh thuế lũy tiến tương tự đối với thuế thu nhập cá nhân đối với người sở hữu tài sản với giá trị rất lớn. Theo đó, có thể đánh thuế tài sản cao gấp 5-10 lần mức khởi điểm đối với người có nhiều tài sản. Ví dụ, mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% và với người có nhiều tài sản ít nhất là 1%.
Như tôi đã đề cập, việc đánh thuế tài sản không đánh vào mọi người, mọi tài sản, mọi giá trị. Hiện Bộ Tài chính đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% và với đất cũng là 0,4%. Mức đề xuất này là cào bằng giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp. Việc áp dụng mức thuế như nhau là không công bằng và không đạt được mục tiêu đánh thuế.
Đặc biệt, trong việc đánh thuế cần tránh tình trạng thuế chồng thuế. Người sở hữu căn nhà 10 tỉ đồng thì việc đánh thuế là đương nhiên. Nhưng với trường hợp sở hữu hai căn nhà trị giá 1 tỉ đồng, một căn dùng để ở, một căn để cho thuê thì việc đánh thuế là không hợp lý. Bởi lẽ căn nhà cho thuê đã phải chịu nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng.
. Tôi chỉ e rằng điều này sẽ bị phản đối như trước đây Bộ Tài chính đã đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi. Khi đó nhiều người, kể cả quan chức về hưu đã phản đối vì họ có nhiều nhà cửa giá trị cao…
+ Dù gọi là thuế tài sản hay thuế nhà, đất thì về bản chất cũng là đánh vào tài sản, nhằm mấy mục tiêu như Bộ Tài chính đặt ra, trong đó có việc hạn chế đầu cơ và chênh lệch quá lớn về sở hữu. Do vậy, người sở hữu nhiều tài sản nhờ cộng đồng thì phải đóng góp trở lại nhiều hơn cho xã hội thông qua việc nộp thuế tài sản. Nhưng việc đánh thuế tài sản trước hết phải dựa trên cơ sở là khả năng nộp thuế, nguồn thu của người nộp thuế. Có nghĩa là nếu có ít tài sản thì không nên đánh thuế.
Đặc biệt, người dân sẽ không muốn đóng loại thuế này nếu như chỉ để chi lương, trả nợ và chi dùng kém hiệu quả, thất thoát. Thử hỏi, đã định danh là thuế môi trường mà lại không để chi cho môi trường thì tại sao lại phải đóng thuế môi trường?
Ở các nước, loại thuế nhà, đất là để chi cho phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội và phúc lợi tại chính địa bàn có nhà, đất thì người dân sẽ dễ đồng thuận hơn. Bởi tiền thuế đó rõ ràng là để phục vụ cho chính những người đóng thuế.
. Xin cám ơn ông.
Đại diện Bộ Tài chính chiều 28-6 cũng xác nhận với phóng viên về thông tin bỏ ngưỡng nhà 700 triệu đồng phải chịu thuế tài sản tại dự án Luật Thuế tài sản. Tuy vậy, đại diện Bộ Tài chính nói đề xuất thuế tài sản vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và khi nào hoàn thành, Bộ Tài chính sẽ thông tin rộng rãi với báo chí và nhân dân. Trước đó, trung tuần tháng 4-2018, Bộ Tài chính đã họp báo công bố đề xuất nghiên cứu dự án Luật Thuế tài sản với đề nghị sẽ đánh thuế đối với nhà có giá trị xây dựng 700 triệu đồng, thuế suất 0,3%-0,4%. Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau từ công luận. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản, thuế bất động sản, thuế nhà đất. |