Ngày 18-8, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP Nha Trang đã cung cấp cho cụ Lê Thị Háo, 81 tuổi, ngụ 18 Bạch Đằng, phường Phước Tiến, TP Nha Trang, Khánh Hòa một bộ hồ sơ sao lục liên quan đến việc làm lại giấy chứng nhận nhà, đất (GCN) của ngôi nhà trên.
Trong hồ sơ này có văn bản khai nhận tài sản thừa kế do Văn phòng công chứng (VPCC) Hoàng Huệ - Phạm Tuấn, 26 Hai Bà Trưng, TP Nha Trang công chứng ngày 25-7, trong đó nêu cụ Háo là người thừa kế duy nhất của người em ruột Lê Thị Chỉnh (đã mất). Trong hồ sơ còn có GCN mới của ngôi nhà 18 Bạch Đằng chỉ do mình cụ Háo đứng tên, được UBND TP Nha Trang cấp ngày 28-7, tức chỉ ba ngày sau khi VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn công chứng văn bản khai nhận tài sản thừa kế.
Hồ sơ còn có hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất cùng ngôi nhà trên từ cụ Háo sang Nguyễn Hoàng Trung, cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Khánh Hòa, với giá 500 triệu đồng (trong khi trước đó, ông Trung khẳng định mua nhà này với giá 3,5 tỉ đồng - PV). Hợp đồng này cũng do VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn công chứng vào cùng ngày cấp GCN. Ngay hôm sau, 29-7, Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang đã cập nhật tên ông Trung vào trang cuối của GCN.
Trao đổi với PV, ông Trung cho biết ông là người trực tiếp mang hồ sơ đến Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang làm lại GCN mới và nhận về đưa cho cụ Háo. Tuy nhiên, trong hồ sơ sao lục của Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang gửi cụ Háo không có văn bản nào thể hiện ông Trung được cụ Háo ủy quyền như ông nói.
Trước câu hỏi “vì sao GCN mới của ngôi nhà được cấp nhanh chóng như vậy?”, ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, nói: “Quy định là dưới 30 ngày chứ không có quy định tối thiểu. Làm nhanh nhưng không sai thì không có vấn đề gì”. Tuy nhiên, một nhân viên Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang cho biết đối với trường hợp làm lại GCN như cụ Háo phải mất ít nhất một tuần.
Trong hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà có bà Trương Thị Tín (người giúp việc của cụ Háo) ký tên với tư cách người làm chứng. Trong khi đó, bà Hoàng Thị Huệ, công chứng viên VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn, cho rằng người giúp việc ký vào hợp đồng là theo yêu cầu của bên mua chứ không được thể hiện trong lời chứng.
Chiều 18-8, ông Trần Quang Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, cho biết Sở đã cử cán bộ thu thập hồ sơ liên quan đến công chứng trong vụ việc trên.
Có hay không chuyện giao nhận tiền? Ông Trung khẳng định đã hai lần đưa tổng cộng 3,5 tỉ đồng tiền mặt cho cụ Háo và người giúp việc Trương Thị Tín tại nhà của cụ. Giấy giao nhận tiền cũng đã được công chứng. Ngược lại, cụ Háo luôn khẳng định không có việc bán nhà, không nhận tiền của ai. Bà Tín cũng cho rằng có nhờ cụ Háo vay của một phụ nữ tên Liên 150 triệu đồng chứ không biết gì về chuyện mua bán nhà. Còn công chứng viên Hoàng Thị Huệ thì lại cho rằng chỉ công chứng bản thỏa thuận chứ không phải công chứng giấy giao nhận tiền. Vậy có hay không chuyện giao nhận tiền? Pháp Luật TP.HCMsẽ tiếp tục làm rõ. Văn phòng công chứng làm trái luật Theo quy định, trước khi công chứng một giao dịch dân sự, nếu công chứng viên thấy một trong hai chủ thể giao dịch già yếu, hạn chế khả năng nghe, nhìn, đọc… thì bắt buộc phải yêu cầu có một người làm chứng và đọc lại cho họ nghe, đảm bảo để họ hiểu nội dung giao dịch. Trong trường hợp này, theo thông tin báo chí thì có một người già yếu, không có kính để đọc nhưng công chứng viên chỉ bảo họ lăn tay vào là xong giao dịch. Đó là sai quy trình. Cũng theo quy định, trong di chúc cả người cho và người nhận đều phải có địa chỉ đầy đủ, tức là phải có một thực thể hiện diện thực sự. Thế nhưng trong di chúc cụ Háo để ngôi nhà cho người giúp việc, phần người nhận tài sản không có địa chỉ, không có chứng minh nhân dân là vi phạm khoản 1 Điều 35 Luật Công chứng. Công chứng viên nói người nhận không cần địa chỉ là trái quy định. Luật sư TRẦN QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa |