Nhà máy nước gần 1.200 tỉ tại Đà Nẵng vẫn ‘trùm mền’ sau lễ khánh thành

(PLO)- Hơn ba tuần sau lễ khánh thành, Đà Nẵng vẫn chưa chốt phương án vận hành Nhà máy nước Hòa Liên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-3 vừa qua, Đà Nẵng chính thức khánh thành dự án Nhà máy nước Hòa Liên có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỉ đồng.

Những tưởng các vướng mắc của dự án đã được tháo gỡ để vận hành nhà máy, thế nhưng hơn ba tuần trôi qua, dự án vẫn phải “trùm mền”, nguyên nhân do đâu?

Nhà máy nước Hòa Liên khánh thành vào ngày 29-3. Ảnh: TẤN VIỆT

Nhà máy nước Hòa Liên khánh thành vào ngày 29-3. Ảnh: TẤN VIỆT

Loay hoay tìm phương án vận hành

Theo tìm hiểu, một ngày sau lễ khánh thành nói trên, Sở Xây dựng Đà Nẵng gửi văn bản cho các cơ quan liên quan để lấy ý kiến đối với phương án khai thác Nhà máy nước Hòa Liên.

Ngày 7-4, Sở Xây dựng Đà Nẵng tiếp tục có văn bản gửi Ban quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp - đơn vị điều hành dự án và người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco).

Văn bản được gửi đi nhằm xác định vùng phục vụ cấp nước của Nhà máy nước Hòa Liên và công suất khai thác của nhà máy.

Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị BQLDA khẩn trương chỉ đạo đơn vị tư vấn lập quy hoạch chuyên ngành cấp nước phối hợp với Dawaco tính toán thủy lực mạng lưới đường ống trên toàn hệ thống cấp nước của TP và các dự án cấp nước đang triển khai.

Nội dung này Sở Xây dựng Đà Nẵng đã từng có ý kiến vào ngày 28-2, nhưng đến ngày 7-4 vẫn chưa nhận được phản hồi của BQLDA.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (đi đầu) kiểm tra dự án Nhà nước máy Hòa Liên trước lễ khánh thành. Ảnh: TẤN VIỆT

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (đi đầu) kiểm tra dự án Nhà nước máy Hòa Liên trước lễ khánh thành. Ảnh: TẤN VIỆT

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đề nghị người đại diện phần vốn nhà nước tại Dawaco chỉ đạo bộ phận liên quan khẩn trương rà soát, cung cấp thông tin về sản lượng nước tiêu thụ thực tế trong quý I-2023 trên địa bàn quận Liên Chiểu và các xã Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn (huyện Hòa Vang).

Làm sao hài hòa lợi ích các bên?

Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị (thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng) là đơn vị được giao tiếp nhận tài sản và vận hành Nhà máy nước Hòa Liên đã đề xuất phương án khai thác nhà máy này.

Theo trung tâm này, nhà máy mới xây dựng xong đưa vào hoạt động cần thiết phải trải qua giai đoạn vận hành, sản xuất thử nghiệm. Vì vậy trung tâm đề xuất sản lượng sản xuất bình quân của nhà máy trong năm 2023 là 60.000 m3/ngày.

Từ năm 2024 trở đi, sản lượng sản xuất bình quân của Nhà máy nước Hòa Liên tương đương với tỉ lệ giữa nhu cầu dùng nước toàn TP với tổng công suất thiết kế của các nhà máy nước tại TP.

Trung tâm đề nghị Sở Xây dựng Đà Nẵng sớm tạo điều kiện đảm bảo nhân sự để đơn vị này tổ chức tuyển dụng, tiếp nhận bàn giao tài sản nhà máy và hướng dẫn đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Hơn ba tuần sau lễ khánh thành, Nhà máy nước Hòa Liên vẫn chưa thể vận hành. Ảnh: TẤN VIỆT

Hơn ba tuần sau lễ khánh thành, Nhà máy nước Hòa Liên vẫn chưa thể vận hành. Ảnh: TẤN VIỆT

Trước ý kiến trên, Dawaco cho hay đang vận hành và phát nước vào mạng lưới với công suất trung bình 308.000 m3/ngày.

Dawaco cũng đang quản lý vận hành các trạm cấp nước nông thôn thuộc xã Hòa Phú, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) với tổng công suất khoảng 5.000 m3/ngày.

“Đến nay, Dawaco vẫn chưa khai thác hết công suất thiết kế các nhà máy/trạm cấp nước đã đầu tư trong giai đoạn 2018-2023 và trong năm 2023 sau khi hoàn thành dự án nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000 m3/ngày lên 420.000 m3/ngày sẽ đảm bảo được nguồn nước ổn định cho các nhà máy nước”, ông Hồ Minh Nam, Tổng giám đốc Dawaco cho hay.

Dawaco cho rằng, đề xuất công suất khai thác Nhà máy nước Hòa Liên 60.000 m3/ngày là chưa phù hợp và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của Dawaco, dẫn đến không cân đối được nguồn trả nợ gốc và lãi vay.

Nhằm hài hòa lợi ích các bên, Dawaco đề xuất phương án mua nước sạch tại Nhà máy nước Hòa Liên theo nhiều giai đoạn.

Cụ thể trong năm 2023 khai thác 30.000 m3/ngày, năm 2024 khai thác 50.000 m3/ngày. Đến năm 2028 mới khai thác hết công suất giai đoạn 1 của Nhà máy nước Hòa Liên là 120.000 m3/ngày.

Được biết, Sở Xây dựng Đà Nẵng đang tổng hợp ý kiến các bên và sẽ trình UBND TP xem xét, quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm