Vì sao nhà máy nước gần 1.200 tỉ tại Đà Nẵng chưa thể vận hành?

(PLO)- Nhà máy nước Hòa Liên tại Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng từ tháng 9-2022 nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị tiếp nhận và quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng kiểm tra thực tế dự án Nhà máy nước Hòa Liên (huyện Hòa Vang).

Ông Lương Thạch Vỹ, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Lương Thạch Vỹ, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo ông Lương Thạch Vỹ, Phó giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng (đơn vị điều hành), nhà máy hiện chưa có đơn vị tiếp nhận và quản lý, khai thác sử dụng nên không thực hiện được việc hướng dẫn vận hành và chuyển giao công nghệ. Do đó không đủ cơ sở để tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình.

Ông Vỹ cho hay, hiện chưa có phương án giá nước sạch tại nhà máy và công suất khai thác phù hợp làm cơ sở triển khai thực hiện. Do chậm bàn giao dự án nên công tác quyết toán công trình kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn cũng như thanh toán cho nhà thầu.

BQLDA đề nghị Sở Xây dựng sớm có văn bản chấp thuận nghiệm thu để đưa công trình vào sử dụng trong tháng 3.

UBND TP Đà Nẵng cần sớm có văn bản thống nhất chủ trương giao Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị - Sở Xây dựng (gọi tắt là Trung tâm) thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà máy theo quy định tại Nghị định 43/2022 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch trong tháng 3.

BQLDA cũng đề nghị Trung tâm chủ động tuyển nhân sự phù hợp để đơn vị này đào tạo và chuyển giao công nghệ, hướng dẫn vận hành nhà máy trong tháng 3.

Sở Xây dựng được đề nghị sớm trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt phương án giá nước sạch tại Nhà máy nước Hòa Liên và đề xuất công suất khai thác phù hợp làm cơ sở triển khai thực hiện.

Về giải tỏa đền bù, BQLDA đề nghị UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo giải quyết 23 hồ sơ đất rừng phát sinh trong khu vực lòng hồ trong tháng 3.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (thứ hai từ phải) kiểm tra dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Ảnh: TẤN VIỆT

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (thứ hai từ phải) kiểm tra dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Ảnh: TẤN VIỆT

Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng cho hay, trong khi chờ trình giá nước của nhà máy, trước mắt các cơ quan cứ lấy giá nước hiện nay UBND TP quy định. Giả sử không bù được chi phí sản xuất thì Nhà nước cấp bù.

“Phải để nhà máy nước vận hành chứ không thể để đứng nhà máy như hiện nay”, ông Phụng nói.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn, dự án đã hoàn thành từ lâu mà không vận hành được do không có đơn vị để bàn giao quản lý vận hành là rất chậm, đáng ra phải chuẩn bị ngay từ khi triển khai dự án.

“UBND TP phải sớm chỉ đạo đưa vào vận hành khai thác, tránh việc thiếu nước sinh hoạt trong mùa cao điểm du lịch hè. Về giá nước thì thống nhất trên cơ sở giá UBND TP đang quy định, xây dựng mức giá tạm thời chấp nhận trong giai đoạn hiện nay”, ông Sơn nêu ý kiến.

Qua kiểm tra, ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu lãnh đạo TP quyết tâm đưa nhà máy vào quản lý khai thác vận hành theo đúng quy định pháp luật.

Ông Quảng đề nghị trong tháng 3 này, Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo hoàn thành nghiệm thu dự án, thực hiện song song với công tác quyết toán. Cũng trong tháng 3, các đơn vị phải hoàn thành việc bàn giao nhà máy cho Trung tâm, khẩn trương chuẩn bị nhân lực tiếp nhận chuyển giao vận hành.

Cùng với đó, ông Quảng đề nghị các ngành nhanh chóng trình phương án về giá nước tạm thời, phải hoàn thành trong tháng 3 dù lấy giá nước hiện hành hay ban hành giá mới.

“Còn 23 hộ dân, huyện Hòa Vang phải chịu trách nhiệm đền bù trong tháng 3. Hoàn thành tất cả thủ tục từ nghiệm thu, bàn giao đến quản lý vận hành, chậm nhất ngày 1-4 phải đưa vào quản lý khai thác nhà máy phục vụ người dân”, ông Quảng yêu cầu.

Dự án Nhà máy nước Hòa Liên có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỉ đồng, khởi công ngày 25-3-2020 và hoàn thành ngày 30-9-2022. Nhà máy có công suất xử lý giai đoạn 1 là 120.000 m3/ngày đêm và quy hoạch mở rộng cho giai đoạn 2 với công suất 240.000 m3/ngày đêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm