Chị Ngô Thị Loan trong một buổi đi du lịch ở Cần Giờ.

Nhà - nơi khởi nguồn cuộc sống

(PLO)- Nhà ở là nơi khởi nguồn mọi thứ của cuộc sống, nơi ta thực hiện hầu hết hoạt động, nhu cầu của bản thân…

Tôi sinh ra và lớn lên tại Bình Phước, vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió. Là người thích sự tự do và trải nghiệm, sau bốn năm sinh sống, học tập tại Hà Nội, tôi đã quyết tâm ở lại TP.HCM để viết tiếp ước mơ, dự định và hoài bão tuổi trẻ.

Đi qua nhiều nơi, cảm nhận về nhiều môi trường sống khác nhau, tôi nhận thấy rằng: “Nhà chính là nơi khởi nguồn cuộc sống”. Sự tù túng, chật hẹp của nhà trọ khiến tôi không ngừng mong mỏi, xây dựng kế hoạch nghiêm túc để có thể sở hữu căn nhà của chính mình trong tương lai.

Chị Ngô Thị Loan trong một buổi đi du lịch ở Cần Giờ. Ảnh: NVCC

Chị Ngô Thị Loan trong một buổi đi du lịch ở Cần Giờ. Ảnh: NVCC

Ngôi nhà là nơi trú ngụ an toàn nhất

Tôi xuất thân là cô sinh viên trường luật, đã và đang đảm nhận công việc pháp chế cho một công ty tại TP.HCM. Tôi luôn theo dõi báo Pháp Luật TP.HCM, thông qua cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ”, tôi muốn mình có thể chia sẻ suy nghĩ, mong muốn và hiện thực hóa ước mơ về tổ ấm của mình. Đối với tôi, ngôi nhà là nơi an toàn nhất để tôi trú ngụ cả cuộc đời. Khi mệt mỏi nhất, chán nản nhất, có lẽ nơi tôi tìm về không đâu khác chính là ngôi nhà thân yêu của mình. Nhà không cần quá to, chỉ cần gọn gàng, tiện nghi, không gian sống xanh là đủ. Từ xưa ông bà ta đã dạy “an cư mới lạc nghiệp” để thể hiện tầm quan trọng, sự cần thiết của ngôi nhà đối với mỗi người.

Xuất thân là cô sinh viên tỉnh lẻ, lên TP học tập và ở lại tìm việc, tìm cơ hội phát triển, tiến xa. Ở xa gia đình, mọi người vẫn thường hỏi tôi mọi thứ ổn không, ở vậy có buồn lắm không? Tôi hay trả lời rằng tất nhiên không vui bằng ở nhà nhưng cũng có những niềm vui riêng. Sống ở TP nhiều năm trong căn phòng trọ chật hẹp, thiếu thốn nhiều thứ, hơn ai hết, tôi hiểu được tầm quan trọng và khao khát có ngôi nhà của chính mình.

Nhà ở là nơi khởi nguồn mọi thứ của cuộc sống, nơi ta thực hiện các hoạt động đáp ứng nhu cầu cơ bản như nấu ăn, ngủ nghỉ… cũng là nơi ta làm việc, học tập, sinh hoạt và thực hiện những điều mình muốn một cách riêng tư.

TP quanh năm hai mùa mưa nắng. Mưa nắng đôi lúc cũng thất thường, mới thấy mưa đó rồi lại nắng, nắng rồi lại mưa. Có những buổi trưa hè nắng gắt, có những chiều mưa ngập đường lênh láng. Và đâu đó ngoài kia vẫn còn những mảnh đời không có nhà cửa, không có nơi được gọi là nhà để trú ngụ…

Tôi có phần may mắn hơn, tôi có thể chi trả chi phí cho căn phòng trọ của mình, có nơi để trú mưa, nắng. Tôi sống cùng hai người bạn nhưng tiền thuê phòng, chi phí điện, nuớc… cũng khá đắt đỏ. Nhưng tôi tin rằng những khó khăn trên không phải để bi quan mà để tôi nghĩ về một thực tế của cuộc sống, lấy đó làm động lực để không ngừng cố gắng để có được một tổ ấm của chính mình.

Khi mệt mỏi nhất, chán nản nhất, có lẽ nơi tôi tìm về không đâu khác chính là ngôi nhà thân yêu của mình.

Hướng đến lối sống tối giản

Tôi vẫn thường nghĩ về ngôi nhà của mình trong tương lai. Ngôi nhà có cả vẻ đẹp tâm hồn lẫn hình thức bên ngoài. Tâm hồn là công năng sử dụng, tiện nghi về mặt không gian, gam màu hài hòa chứa đựng năng lượng sống mạnh mẽ.

Chị Ngô Thị Loan ở nơi làm việc. Ảnh: NVCC

Chị Ngô Thị Loan ở nơi làm việc. Ảnh: NVCC

Là một người thích sự gọn gàng, ngăn nắp, tôi luôn hướng đến môi trường sống theo phong cách thiết kế tối giản, tập trung vào lấy ánh sáng tự nhiên, không sử dụng quá nhiều tông màu, đơn giản hóa nội thất. Hình thức là giao diện bên ngoài, sao cho không rối mắt người nhìn và có điểm nhấn riêng.

Sau này khi thiết kế căn nhà của mình, tôi sẽ lấy gam màu trắng - xám làm chủ đạo. Phòng khách có không gian vừa đủ, thông ra ban công. Ban công là khu vực trực tiếp đón nắng, gió nên tôi sẽ chọn những loài cây phù hợp dễ chăm bón và thiết kế một chiếc võng treo bằng mây, tạo không gian chill ở nơi này.

Phòng ngủ tích hợp với phòng đọc sách, nhà vệ sinh riêng, có cửa sổ kính để tận dụng ánh sáng tự nhiên, thoáng đãng. Phòng bếp được thiết kế riêng biệt, hạn chế tối đa mùi đồ ăn khi nấu nướng… Tất cả điều đó sẽ tạo nên một tổ ấm, một ngôi nhà đẹp cả tâm hồn, hình thức như tôi mong muốn lâu nay.

Xem ngôi nhà như một người bạn thân

Khi có được tổ ấm của riêng mình, tôi sẽ luôn chăm sóc, bảo quản, xem ngôi nhà như một người bạn thân.

Tôi tin rằng nhà cũng có linh tính, chứa đựng năng lượng bí ẩn và mạnh mẽ. Sau cả ngày làm việc vất vả, bất cứ ai cũng đều muốn trở về nhà thư giãn. Tuy nhiên, đôi khi bước vào một căn phòng ngổn ngang đồ đạc, những góc nhà đầy bụi bẩn, khiến ta cảm thấy mệt mỏi hơn.

Do đó, tôi sẽ có kế hoạch chăm sóc ngôi nhà của mình. Quy định vị trí của tất cả đồ đạc, đối với những đồ không dùng nữa sẽ “loại bỏ”, tặng hoặc quyên góp từ thiện.

Hằng ngày thì lau chùi sàn nhà, hút bụi, dọn dẹp, rửa sạch những vật dụng sinh hoạt sau khi sử dụng, mở các cửa của ngôi nhà để không gian được thoáng đãng. Cuối tuần sẽ vệ sinh tổng thể: Bếp, chăn ga, cửa kính… lập danh sách những việc cần làm khi dọn nhà trong tuần. Chăm sóc tốt cho ngôi nhà cũng chính là chăm sóc cho chính mình.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ”

Từ ngày 1-7, bạn đọc trẻ của báo Pháp Luật TP.HCM gửi bài viết tham dự cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ” sẽ có cơ hội được trao tặng một căn hộ trị giá gần 1 tỉ đồng khi đạt giải cao nhất của cuộc thi.

Đây là cuộc thi viết do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn CT Group tổ chức.

Với slogan “Cùng người trẻ kiến tạo cuộc sống”, cuộc thi tạo sân chơi cho các bạn trẻ thoải mái thể hiện khát khao kiến tạo cuộc sống hiện đại, giàu cảm hứng qua việc viết và thiết kế ngôi nhà mơ ước, tổ ấm yêu thương trong tương lai.

Đối tượng tham gia: Là công dân Việt Nam, độ tuổi từ 22 đến 35 (tính đến thời điểm gửi bài dự thi), hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM; có khát khao và kế hoạch sinh sống, làm việc lâu dài, cống hiến cho sự phát triển của TP.HCM trong tương lai. Người tham gia thuộc diện chưa có nhà ở, đồng thời cũng không có sở hữu bất kỳ bất động sản nào tại TP.HCM hoặc các tỉnh, thành khác…

Người tham gia sẽ trải qua ba vòng thi: Vòng 1: Viết lại giấc mơ; Vòng 2: Hoạ hình giấc mơ; Vòng 3: Chinh phục giấc mơ.

Tất cả tác phẩm gửi về email toamtoimo@phapluattp.vn.

Giải thưởng:

5 giải thưởng chính gồm:

+ Một giải Đặc biệt: Một căn hộ thuộc brand Diyas do CT Group trao tặng

+ Một giải I: 40.000.000 đồng

+ Một giải II: 25.000.000 đồng

+ Một giải III: 15.000.000 đồng.

+ Hai giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải.

Các giải thưởng phụ:

+ Giải bài viết xuất sắc của tháng: 3.000.000 đồng/giải (mỗi tháng sẽ chọn ra tối đa 2 bài viết xuất sắc nhất).

+ Giải ý tưởng “họa hình giấc mơ” (vòng thi số 2) được bạn đọc bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội: 5.000.000 đồng.

+ Giải “nhà thiết kế đồng hành”: 6 giải dành cho 6 nhóm sinh viên tham gia tư vấn, hỗ trợ cho các thí sinh tương ứng với các giải thưởng của các thí sinh, gồm:

+ Một giải Đặc biệt: 10.000.000 đồng.

+ Một giải I: 5.000.000 đồng

+ Một giải II: 3.000.000 đồng.

+ Một giải III: 2.000.000 đồng.

+ Hai giải Khuyến khích: 1.000.000/giải.

+ Ngoài ra, các sinh viên tham gia sẽ được nhận giấy chứng nhận của Ban tổ chức.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, cách thức tham gia cuộc thi, thành phần ban giám khảo cuộc thi… bạn đọc vào website của cuộc thi tại địa chỉ toamtoimo.plo.vn.

Trân trọng mời bạn đọc tham gia cuộc thi!

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI "TỔ ẤM TÔI MƠ"

Đọc thêm