Nhà phố, biệt thự đổ về vùng ven: Liệu có bỏ hoang?

Trong báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020, Savills Việt Nam chỉ ra, ở phân khúc bất động sản liền thổ đang có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, nguồn cung sơ cấp ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua do số lượng mở bán mới hạn chế và người mua ngày càng thận trọng hơn.
Sáu tháng đầu năm 2020, lượng sản phẩm biệt thự, nhà phố, đất nền sơ cấp đã giảm 43% theo năm xuống còn 3.250 căn/nền. Trong đó, đất nền giảm mạnh 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Savills, bất động sản liền thổ tại các tỉnh lân cận như Long An hoặc Đồng Nai, Bình Dương ngày càng thu hút sự quan tâm nhờ giá trị gia tăng khi hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng sẽ hoàn thành trong 3 năm tới. Khoảng 61% dự án đang hoạt động trên thị trường sơ cấp ở phân khúc này giữ nguyên mức giá theo quý. Tuy nhiên, để kích cầu, chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chương trình chiết khấu và thanh toán chậm.

Nhiều dự án nhà phố, biệt thự xây thô sẵn, giá cao ngất ngưỡng nhưng nhiều năm bỏ hoang không có người ở.

Đáng chú ý ở phân khúc này trong quý 2-2020 là tỷ lệ hấp thụ nhà phố thương mại đạt 87%, đây là mức cao nhất trong ba loại hình nhà ở liền thổ. Theo Savills, nguyên nhân là trong những năm gần đây, do số lượng giới hạn cùng với giá bán tăng mạnh, thị trường chứng kiến mức tăng kỷ lục về lượng cầu nhà phố thương mại.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng lo ngại về tình trạng các đô thị nhà phố, biệt thự như các dự án khu đô thị cách đây hơn 10 năm ở các vùng ven rơi vào cảnh bỏ hoang cho đến nay. Nếu khu đô thị mà chỉ có nhà đầu tư chứ không ở thực thì sẽ tạo ra các dự án bỏ hoang.
Để nhà phố, biệt thự có người mua để ở thì khu đô thị phải có tiện ích, dịch vụ sống, làm việc, học tập, vui chơi, kết nối giao thông thuận tiện với các đô thị trung tâm.
“Nếu các đô thị lớn không có người ở, nếu chỉ bán bằng mọi giá để tìm kiếm lợi nhuận sẽ là tai họa cho thị trường”, ông Châu cảnh báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm