Các nhà đầu tư cũ lần lượt xin rút khỏi dự án Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Tuy nhiên, thông tin này không khiến giới cò đất lung lay, thậm chí nhiều người vẫn tích cực tư vấn, mời chào khách mua đất gần công viên này với những lời hứa hẹn rất hoành tráng.
Hứa chắc nịch công viên khởi công trong năm nay
“Mọi người đừng nghe những thông tin không chính xác, chủ đầu tư vẫn thực hiện dự án, công viên năm nay chắc chắn sẽ khởi công” - chị P., một người bán đất mặt tiền ở tỉnh lộ 7, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, mạnh dạn nói khi chúng tôi hỏi về lô đất chị rao bán trên mạng ngày 13-5.
Theo chị P., khu đất của chị đã có giấy riêng, là đất thổ cư, địa thế rất đẹp, ở sát vách BV Củ Chi, gần Công viên Safari. Nếu đầu tư đất ở đây chắc chắn sẽ sinh lợi lớn.
“Hiện nay giá khu vực này là 8-10 triệu đồng/m2. Năm ngoái chỉ khoảng 6 triệu đồng thôi. Cứ vậy tính là biết sẽ lãi cao rồi. Nếu anh sắp xếp được trong tuần này, tôi đón anh xuống coi đất” - chị P. hào hứng chào mời.
Không chỉ chủ đất này, hiện có rất nhiều người vẫn đang rao thông tin rầm rộ trên các trang mua bán nhà, đất. Đa số là những thông tin chi tiết liên quan đến các khu đất, nhà ở, biệt thự… ăn theo dự án Sài Gòn Safari bất chấp dự án này suốt 15 năm nay vẫn long đong, lận đận, đất đai vẫn đang bỏ hoang.
Anh Minh Trí, một người bán đất để xây biệt thự tại tỉnh lộ 7, cho biết đất của anh hiện có giá 150 triệu đồng một mét ngang. “Anh yên tâm, đất này rất gần Công viên Safari, không xuống giá đâu. Khu vực này không bị ảnh hưởng bởi thông tin nhà đầu tư rút khỏi dự án” - anh Trí nói thêm.
Mặc dù một nhà đầu tư lớn mới đây đã rút khỏi dự án nhưng các thông tin quảng cáo vẫn tranh thủ gắn tên doanh nghiệp này vào. Thậm chí còn tùy tiện “tiết lộ” tập đoàn này sắp làm thêm một khu nông nghiệp tại đây và giá đất sẽ sốt không ngừng.
Gần 500 ha đất Công viên Sài Gòn Safari vẫn là đất trống, người dân chăn thả trâu bò. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Kiến nghị nhà đầu tư xem xét lại quyết định
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), nhận định: “Quan điểm của tôi là một doanh nghiệp có quyền đầu tư hoặc rút khỏi dự án đầu tư tùy vào tình hình và chiến lược kinh doanh của họ. Tuy nhiên, quả thật đáng tiếc khi một nhà đầu tư lớn và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này rút khỏi dự án”.
Ông Châu cho rằng điều này ít nhiều có thể ảnh hưởng đến thị trường BĐS và tác động đến việc tăng trưởng các tiện ích về mặt xã hội, du lịch, sinh thái… của khu vực Củ Chi.
“Đây là một dự án không thuần kinh doanh mà là một dự án xã hội, mang lại lợi ích nhiều mặt, trong đó có môi trường, sinh thái… Trước mắt chúng tôi sẽ kiến nghị nhà đầu tư xem xét lại quyết định của mình” - ông Châu cho biết.
Ở góc độ đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP), chỉ ra rằng một đơn vị phát triển, phân phối, tư vấn đầu tư BĐS không nên chỉ phụ thuộc vào các thông tin quy hoạch tương lai mà phải dựa vào giá trị nội tại của BĐS đó ngay tại thời điểm này.
Ông Việt phân tích: “Đầu tư BĐS đúng nghĩa là đầu tư vào đất và tài sản trên đất, tạo ra giá trị sử dụng cho chính chủ hoặc cho khách thuê. Nếu có thêm các dự án như Safari có thể làm gia tăng nguồn khách đến du lịch tại Củ Chi. Khi ấy các BĐS nghỉ dưỡng tại Củ Chi sẽ hưởng lợi, nguồn khách tăng, công suất thuê tăng thì thu nhập tăng. Còn nếu mua đất để xây nhà ở thì có Safari hay không không quan trọng lắm”.
Ông tư vấn thêm, đã có quá nhiều bài học về việc đầu tư đất để ăn theo dự án lớn mà không hiểu rõ bản chất nên cuối cùng phải ôm trái đắng. “Vì vậy, các nhà đầu tư hãy tỉnh táo, suy nghĩ cẩn trọng về loại hình BĐS mình dự định đầu tư, xác định giá thành hợp lý đối với người dùng cuối cùng, đó mới là giá trị thực tế của việc đầu tư” - ông Việt nói.
Dự án Công viên Sài Gòn Safari có chủ trương xây dựng từ năm 1996 với mục tiêu là tạo nên một công viên du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á; là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loài động thực vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam. Năm 2016, một tập đoàn lớn đã được chấp thuận đầu tư dự án với vốn khoảng 500 triệu USD trên tổng diện tích khu vực quy hoạch toàn khu là hơn 456 ha. Mới đây, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM, Sở KH&ĐT TP lại đưa dự án trên vào danh sách kêu gọi đầu tư vì tập đoàn trên đã quyết định rút khỏi dự án. |