“Dự án công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi, TP.HCM) là một dự án rộng đến 485 ha với tổng mức đầu tư ước tính lên đến 500 triệu USD nhưng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm”. Đây là một trong các nguyên nhân khiến việc triển khai dự án chậm tiến độ. UBND TP.HCM vừa báo cáo giải trình với Thủ tướng như trên.
Theo UBND TP, mục tiêu xây dựng công viên Sài Gòn Safari là công viên du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên, UBND TP giao cho Thảo Cầm viên (nay là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn) làm chủ đầu tư dự án. Thảo Cầm viên được chọn vì đơn vị này có nhiều kinh nghiệm trong duy tu công viên, chăm sóc, bảo tồn nguồn gen quý về động thực vật và có sẵn đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên môn cao về nuôi dưỡng, chăm sóc động thực vật hoang dã. Cạnh đó, Thảo Cầm viên còn có mối quan hệ chặt chẽ với các vườn thú trên thế giới, thuận lợi cho việc trao đổi các loài thú quý hiếm trên thế giới và học hỏi kinh nghiệm chuyên môn.
Siêu dự án công viên Sài Gòn Safari thực hiện đã hơn một thập niên nhưng đến nay vẫn chưa xong việc giải tỏa. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Tuy vậy, trong quá trình thực tế thực hiện, Thảo Cầm viên không đáp ứng nhu cầu của dự án. “Năng lực của chủ đầu tư yếu, không đáp ứng nhu cầu dự án” - UBND TP lý giải thêm về nguyên nhân dự án chậm tiến độ.
UBND TP cũng cho rằng dự án vườn thú này có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao nhưng khả năng sinh lợi thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư. Vì thế, đây cũng là một khó khăn trong công tác kêu gọi đầu tư dự án. Tuy vậy, Công ty Cổ phần Vinpearl đề nghị đầu tư dự án và đã được UBND TP chấp thuận chủ trương giao cho doanh nghiệp này tổ chức nghiên cứu đề xuất dự án công viên Sài Gòn Safari. Công ty Vinpearl đang hoàn chỉnh đề xuất dự án để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án chậm trễ nên người dân tranh thủ nuôi trâu, bò trong khu vực dự án. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Cũng theo UBND TP, dự án công viên Sài Gòn Safari là một dự án quy mô, có tính đặc thù nên việc lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực lập quy hoạch phân khu 1/2.000 rất hạn chế. Cụ thể, ở Việt Nam không có đơn vị đủ năng lực, còn trên thế giới thì chỉ có vài đơn vị đáp ứng được. Dù vậy, khi lựa chọn được đơn vị tư vấn là Công ty BH&F thì công tác đàm phán giá khó khăn vì giá chi phí lương chuyên gia của Công ty BH&F này gấp 1,9 lần so với mức quy định khống chế (theo Thông tư 01/2013 của Bộ Xây dựng). Đây cũng là một lý do khiến UBND TP không thể triển khai thực hiện, làm cơ sở kêu gọi đầu tư dự án.
Dân cản thi công khu tái định cư Dự án công viên Sài Gòn Safari có khu thả thú bán hoang dã được dùng để thả thú đặc trưng các khu vực trên thế giới; khu trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục... Dự kiến có khoảng 300 loài động vật với khoảng 10.000 con cùng 3.000 loài thực vật bao gồm cả cây cảnh, cây xanh và dây leo ở công viên này. Dự án này rộng khoảng 485 ha, thực hiện ở xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Số hộ dân bị ảnh hưởng là 705 hộ, trong đó 443 hộ bị giải tỏa trắng. Phương án bồi thường đã được phê duyệt từ tháng 6-2004 nhưng đến nay mới chi trả cho 689 hộ, tương ứng 89% diện tích cần thu hồi. UBND TP.HCM cũng giao cho huyện Củ Chi xây khu tái định cư (18 ha, 275 nền) với tổng mức đầu tư gần 180 tỉ đồng. Sở Xây dựng đã duyệt dự án và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu nhưng chưa khởi công dự án được do một số hộ dân khiếu nại, cản trở. |