Nhà thầu chây ì, người dân bị vạ

Đã gần tết nhưng việc buôn bán của các cửa hàng trên đường Bà Hom, quận 6 chựng lại thấy rõ. Lý do là tuyến đường đang được sửa chữa, bụi bay mịt mù nên ít người dám dừng lại mua hàng. “Mấy tháng qua quán nước của tôi ế nặng, khách quen bỏ đi hết. Tôi chỉ mong họ mau làm xong đường để buôn bán kiếm tiền mua sắm tết” - một người bán nước ven đường Bà Hom than vãn.

Đủ kiểu vi phạm

Thực trạng trên cho thấy việc đi lại, sinh hoạt và kinh doanh của người dân phụ thuộc khá nhiều vào thái độ thi công của các nhà thầu. Thế nhưng theo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, tình trạng đào đường, tái lập cẩu thả, thi công gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông,… lâu nay diễn ra khá phổ biến.

Ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết: Đơn vị đã lập một danh sách “đen” gồm 764 nhà thầu để các quận, huyện và Sở GTVT lưu ý khi cấp phép hoặc gia hạn giấy phép thi công. Đứng đầu “bảng phong thần” là nhà thầu Obayashi (trong dự án đại lộ Đông-Tây), đang nợ 112 biên bản với trên 400 triệu đồng tiền phạt. Các vi phạm chủ yếu của đơn vị này là bày bừa đất đá, vật liệu gây cản trở giao thông; làm cống tắc nghẽn…

Nhà thầu chây ì, người dân bị vạ ảnh 1

Ít ai đủ can đảm ngồi uống nước trong cảnh bụi bặm như thế này. (Ảnh chụp trên đường Bà Hom, quận 6 ngày 20-1) Ảnh: MP

Đứng thứ hai trong danh sách là liên doanh Hud - Cowealmic (dự án nâng cấp đô thị) với 89 vi phạm, tổng số tiền phạt trên 370 triệu đồng. Ngoài việc nhiều lần thi công không phép ở quận 6, nhà thầu này thường xuyên không tái lập mặt đường, chặn cống thoát nước gây ngập nặng, làm hư hỏng đường ống nước.

Cấm thi công cũng không ổn

Đầu năm 2013, Thanh tra Sở GTVT tiếp tục lập danh sách 443 nhà thầu đang nợ gần 6,7 tỉ đồng tiền phạt, đề nghị các quận, huyện và Sở GTVT không cấp phép hoặc gia hạn giấy phép thi công. Tuy nhiên, theo ông Hận, không gia hạn giấy phép hoặc đình chỉ thi công chưa hẳn là giải pháp tốt bởi sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân.

“Nếu cấm nhà thầu thi công tiếp thì dự án sẽ ngưng trệ một thời gian. Khi đó, người dân tiếp tục phải chịu đựng cảnh mưa lầy, nắng bụi, kẹt xe, ô nhiễm… do công trình dở dang” - một cán bộ Thanh tra Sở GTVT nói.

Việc cưỡng chế buộc các nhà thầu vi phạm đóng phạt, khắc phục hậu quả cũng cực kỳ nan giải. Thực tế có nhà thầu từ năm 2006 đến nay vẫn nhất quyết không đóng phạt. Theo quy định, Thanh tra GTVT được phép khấu trừ tiền trong tài khoản của các đơn vị vi phạm hoặc cấn trừ vào tiền chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu. Tuy nhiên, ở nhiều dự án, đơn vị tài trợ vốn thanh toán trực tiếp cho nhà thầu (không thông qua chủ đầu tư) nên không cấn trừ được. Còn việc khấu trừ tiền trong tài khoản nhà thầu cũng không được phía ngân hàng hợp tác.

“Hầu hết các đề nghị cung cấp số tài khoản từ ngân hàng đều rơi vào im lặng. Có lúc cũng nhận được nhưng tài khoản lại có số dư bằng… 0! Ngay cả Ban Quản lý dự án Nâng cấp đô thị, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP cũng ngó lơ đề nghị cung cấp số tài khoản các nhà thầu chây ì” - ông Hận nói.

Người dân lãnh đủ

Anh Lý Văn Nam, chủ cửa hàng quần áo MT trên đường Bà Hom, quận 6, cho hay: “Tôi buôn bán ở đây đã lâu nhưng chưa bao giờ ế ẩm như hiện nay. Bụi bặm kinh khủng, đường sá thi công ngổn ngang nên chẳng ai muốn ghé mua đồ. Nếu tình hình này kéo dài, tôi phải tìm địa điểm kinh doanh khác”.

Việc thi công thiếu an toàn trên đường Bà Hom còn được xem là nguyên nhân khiến bà Khúc Hiếu Trinh (quê Đồng Tháp) thiệt mạng. Lúc 13 giờ ngày 19-1, bà Trinh chạy xe máy gần đến giao lộ Bà Hom - An Dương Vương thì bất ngờ trượt ngã và bị xe tải 54V-2451 cán chết. “Trên đường này có nhiều đống đá nằm nghênh ngang khắp nơi, mặt đường có nơi chênh nhau 20-30 cm nhưng nhà thầu không rào chắn hoặc gắn bảng cảnh báo. Ngày nào cũng có người trượt ngã trên đường” - anh Nguyễn Ngọc Lâm, sống gần nơi xảy ra tai nạn, bức xúc.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm